Điều gì xảy ra khi người dân thắt chặt ví tiền?

(PLO)- Người dân chi tiêu thấp, gia tăng tiết kiệm sẽ tác động đến sản xuất của doanh nghiệp và sự tăng trưởng kinh tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng các biện pháp kích cầu nên được thực hiện mạnh mẽ hơn, song hành với những giải pháp hỗ trợ chính sách như giảm thuế, tăng chi tiêu công, điều chỉnh lãi suất sẽ đem lại sự tự tin cho người dân trong chi tiêu tiêu dùng.

Xu hướng tiết kiệm lên ngôi

Nhìn chiếc điện thoại đầy các vết xước trên màn hình, chị Uyên Phương (TP.HCM) cũng rất muốn đổi điện thoại mới. Nhưng nghĩ đến các khoản chi sắp tới cho gia đình, và nỗi lo công việc cũng như thu nhập vẫn bấp bênh, chị quyết định cứ để xài cho đến khi các vết xước che mờ các tác vụ trên điện thoại, không thể sử dụng hiệu quả được rồi mới tính phương án mua mới.

Những khách hàng như chị Uyên Phương đang làm suy giảm doanh số nhiều hãng bán lẻ. Điều này có thể thấy qua báo cáo quý III-2024 của FPT Retail khi có doanh số và lợi nhuận tăng, nhưng tiền đến từ mảng bán dược phẩm, còn lĩnh vực điện thoại có xu hướng bán chậm.

hinh 5 2 1.jpg
Việc người dân tăng tiết kiệm, thắt chặt ví tiền có thể làm giảm sự tăng trưởng kinh tế. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Xu hướng tiết kiệm đang ngày càng mạnh mẽ nếu nhìn về việc lượng tiền gửi của người dân tăng kỷ lục trong hệ thống ngân hàng, và sự bùng nổ mua sắm hàng giá rẻ trên các kênh thương mại điện tử.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, đặc biệt thuộc các lĩnh vực F&B (thực phẩm và ăn uống), bán lẻ, phân phối ô tô cũng đã nhấn mạnh đến việc người tiêu dùng tiết kiệm đã ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của họ.

Trong báo cáo mới phát hành, Kantar Worldpanel Việt Nam đã có những phác họa về sự thắt chặt chi tiêu đang tác động đến các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Kantar đã nhìn thấy được sự không tự tin chi tiêu của người tiêu dùng ngay từ khởi đầu năm mới 2024. Cụ thể, Tết Nguyên đán 2024, người tiêu dùng đã chọn tiết kiệm chi tiêu cho ngày lễ lớn nhất của Việt Nam vì lo ngại khó khăn về tài chính trong tương lai.

“Tết 2025, một triển vọng kinh tế tích cực hơn đang hình thành. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn thận trọng về tình hình tài chính của họ, cho thấy cách tiếp cận thận trọng đối với chi tiêu” - Kantar nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dù tiêu dùng cuối cùng đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, chiếm hơn 63% GDP, song tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu chững lại trong năm 2024. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 5,9%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 6,8% của năm trước.

Sự sụt giảm này cho thấy sức mua của người dân đã bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Việc làm và thu nhập của các hộ gia đình vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, khiến nhiều người phải thắt chặt chi tiêu và trì hoãn các khoản mua sắm lớn. Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng cũng giảm sút, khiến họ trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu.

hinh 5 2 2.jpg
Các biện pháp kích cầu nên được thực hiện mạnh mẽ hơn sẽ giúp triển vọng kinh tế tích cực hơn. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Theo giới phân tích, việc người dân tăng tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu đem lại những tác động đáng lo ngại. Đó là khi người dân chi tiêu ít hơn, nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm, dẫn đến doanh nghiệp sản xuất ít hơn, doanh thu giảm. Điều này có thể gây ra tình trạng thừa cung, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa, khiến nhu cầu lao động cũng giảm theo.

Phục hồi chi tiêu

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có sự lạc quan. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động (MWG) cho biết, nhìn về tình hình tiêu dùng và sức mua của người dân gần đây cho thấy sự hồi phục nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế.

"Chúng tôi kỳ vọng, doanh nghiệp sẽ có một năm mới tăng trưởng tốt hơn về doanh số, và lợi nhuận. Với công ty chúng tôi, trong cả năm nay, dự báo doanh số và lợi nhuận cũng phục hồi trở lại tương tự những giai đoạn tăng trưởng tốt những năm trước đây" - ông Hiểu Em nói.

Năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, kết hợp với nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, kỳ vọng có sự chuyển biến tích cực cho thu nhập người dân, qua đó thúc đẩy chi tiêu nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI nhận định, người tiêu dùng sẽ tiếp tục chú trọng đến giá cả và ưu tiên các sản phẩm có giá trị tốt. Một vài cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự tự tin của người tiêu dùng đang cải thiện, nhưng chỉ có chưa đến một nửa số hộ gia đình cho thấy tình hình tài chính sẽ tốt hơn trong vòng 12 tháng tới.

Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu sẽ phục hồi chậm. Trong khi đó, thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi người tiêu dùng quen với các chương trình giảm giá và giao hàng tận nơi. Làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ thương mại điện tử cũng làm tăng áp lực cạnh tranh.

thắt chặt ví tiền.JPG
Chính phủ cần phải nhanh chóng xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng mức giảm trừ gia cảnh nhằm hỗ trợ người dân vượt qua những cú sốc về giá cả và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ảnh: PHƯƠNG MINH

“Chúng tôi nhận thấy một số yếu tố vĩ mô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập hộ gia đình, bao gồm sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy hiệu ứng tài sản và việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT và tăng lương cho khu vực công” - SSI cho biết.

Xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng mức giảm trừ gia cảnh

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital cho biết, Chính phủ gần đây đã công bố nhiều biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, bao gồm việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách nghiêm túc.

Những biện pháp này chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP lâu dài. Chính phủ cho thấy sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vào năm 2025, và hy vọng rằng các biện pháp này sẽ giúp người tiêu dùng tự tin hơn trong việc tăng chi tiêu.

"Chúng tôi dự báo rằng chi tiêu tiêu dùng sẽ có sự phục hồi trong năm tới vì một lý do khác là Chính phủ sẽ thực hiện những bước đi quan trọng để khôi phục thị trường bất động sản. Chúng tôi tin rằng khi thị trường bất động sản phục hồi sẽ có tác động lớn hơn nhiều đối với tâm lý tiêu dùng so với việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng" - ông Michael Kokalari đánh giá.

Tiến sĩ Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, trong năm 2025, tiêu dùng của người dân Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục phục hồi khiêm tốn do thu nhập của người dân nhìn chung chịu nhiều tác động tiêu cực từ các cú sốc giá cả và tâm lý phòng ngừa của người dân trước những rủi ro và bất định của nền kinh tế. Đây là phản ứng bình thường của người dân, tiêu dùng nhìn chung phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập hiện tại và kỳ vọng của người dân về nền kinh tế và thu nhập trong tương lai.

“Chính phủ cần phải nhanh chóng xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng mức giảm trừ gia cảnh nhằm hỗ trợ người dân vượt qua những cú sốc về giá cả và thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tránh để nền kinh tế rơi vào vòng xoáy tiêu dùng thấp dẫn đến tổng cầu thấp.

Vì nếu để điều này xảy ra sẽ khiến doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm việc làm dẫn đến thu nhập người người lao động thấp hơn. Khi đó họ càng có ít tiền để chi tiêu hơn. Chính sách này cũng đặc biệt quan trọng trong việc phát triển thị trường trong nước hướng đến giảm sự phụ thuộc của tổng cầu vào xuất khẩu, góp phần bình ổn hóa nền kinh tế trước những biến động bên ngoài” – tiến sĩ Anh khuyến nghị.

Đồng loạt tung chương trình kích cầu tiêu dùng dịp Tết

Tại chuỗi siêu thị WinMart, rất nhiều loại hàng hóa cũng đang được bày bán cùng theo chương trình khuyến mại mùa Tết “Tết tuyệt nhất, Tết cùng WinMart”. Những sản phẩm vốn được người dân ưa chuộng mùa Tết ví như gạo Tết, bánh Tết, nước ngọt như Coca-Cola, dầu ăn, nước mắm… đều có các chương trình giảm giá sâu tặng kèm nhiều quà khuyến mại.

Nhiều nhà bán lẻ khác như Satra, MM Mega Market… cũng đang thực hiện giảm giá đến 50%, tập trung vào sản phẩm hàng tiêu dùng như thời trang, giày dép, hóa mỹ phẩm, thực phẩm… Hàng khuyến mại không chỉ thực hiện trên kênh trực tiếp mà còn cả trên các kênh bán hàng trực tuyến.

Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho rằng chính sách giảm 2% VAT kéo dài đến giữa năm giúp doanh nghiệp ổn định được nguyên liệu đầu vào, giá bán ra, có thêm nguồn lực thực hiện khuyến mãi, từ đó kéo sức mua.

Xu hướng tiêu dùng nổi bật trong năm 2025

Theo NielsenIQ, bước sang năm 2025, Việt Nam ghi nhận thêm 3,8 triệu người gia nhập tầng lớp tiêu dùng. Xu hướng tiêu dùng trong năm 2025 sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và giảm chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ.

Cụ thể, người tiêu dùng có ý định tăng chi tiêu cho tới giữa năm 2025 vào các mặt hàng bao gồm: tiện ích và hàng tạp hóa, đồ gia dụng, đặc biệt là các sản phẩm đồ tươi sống. Ở chiều ngược lại, các sản phẩm bị cắt giảm chi tiêu bao gồm: các hoạt động giải trí ngoài nhà, đồ dệt may và sản phẩm công nghệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm