Theo ghi nhận của PV, tại nhà ông Nguyễn Văn Châu, bọ đậu đen tụ vào từng đống dày đặc, bò lổm ngổm trên nền nhà, góc tường, bếp, tủ đựng thức ăn, quần áo, giường ngủ....
Bọ đậu đen bám thành từng mảng trên tường nhà
Ông Châu cho biết, mùi bọ đậu đen giống như mùi hôi nồng của bọ xít. Gia đình ông đã dùng mọi biện pháp như quét, đốt, đổ nước sôi, xịt thuốc trừ sâu để giệt bọ nhưng bầy này chết bầy khác lại xuất hiện. Nhiều ngày nay, những người trong gia đình ông đều phải tìm cách lánh nạn như dựng chòi ở ngoài vườn ngủ, còn trẻ nhỏ phải đi ngủ nhờ người thân.
Ông Châu hốt một nắm bọ đen trong tay
“Bây giờ ăn uống, ngủ nghỉ đều ở ngoài vườn hết, không thể về nhà được. Tôi đã làm nhiều cách để giệt bọ nhưng không xuể. Bây giờ chỉ còn trông cậy vào cơ quan chức năng hướng dẫn cách giệt loài côn trùng này”, ông Châu than thở.
Người dân ở đây cho biết, dịch bọ đậu đen thường xuất hiện vào mùa mưa, tồn tại nhiều năm qua ở nhiều xã. Bọ này không cắn người nhưng khi bị giẫm lên sẽ tiết dịch và dịch này có thể làm phần da của người tiếp xúc với chúng bị phỏng rộp.
Khăn lau và nhiều vật dụng trong gia đình cũng bị đám bọ này "bao vây"
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, cho biết bọ đậu đen là loài côn trùng cánh cứng đã xuất hiện rất lâu tại địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc trị.
“Năm ngoái Viện sốt rét– Ký sinh trùng– Côn trùng trung ương cũng xuống địa phương rồi dùng thuốc xịt nhưng không có tác dụng. Sau đó, cán bộ của Viện đã lấy mẫu bọ đậu đen để nghiên cứu tìm cách giệt nhưng đến nay chưa có kết quả. Bước đầu chúng tôi sẽ bàn bạc với các ngành chức năng tìm các giải pháp tạm thời, ổn định đời sống cho người dân”, bác sĩ Ngưỡng cho biết.
Bọ đậu đen phủ kín mặt đất
Văn Ngọc