Sáng nay, 2-11, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 10. Phó thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.
Theo Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, lực lượng đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm cơn bão số 9 và các cơn bão trước để đánh giá thực trạng trên địa bàn các khu vực biên giới, đặc biệt là các tuyến ven biển.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VŨ SINH
Bộ đội Biên phòng đã có văn bản gửi các tỉnh tuyến ven biển, tuyến biên giới miền núi phía Bắc có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời tiếp tục rà soát đưa ra các phương án để phòng tránh cơn bão số 10.
Theo tướng Đạo, hiện Bộ đội Biên phòng duy trì 100% quân số các đồn biên phòng tuyến biển từ Thanh Hóa đến Vũng Tàu, các tỉnh cũng có 150 cán bộ chiến sĩ được trang bị đầy đủ và phương tiện, cùng với lực lượng địa phương sẵn sàng tham gia phòng chống lụt bão, giúp dân. Số còn lại thường trực tại đơn vị để thực hiện phòng chống lụt bão tại đơn vị.
"Hiện chúng tôi đã xuất, cấp và bổ sung lực lượng sẵn sàng chiến đấu gồm áo phao, lương khô, các thiết bị khác cho các đơn vị tuyến trọng điểm ở miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định..." - Thiếu tướng Lê Quang Đạo cho biết.
Hiện lực lượng Bộ đội Biên phòng vẫn đang tham gia tìm kiếm các nạn nhân trên ba khu vực: Rào Trăng 3 (Huế), Nam Trà My và khu Phước Sơn (Quảng Nam).
Về công tác ứng phó với bão số 10, các đơn vị Bộ đội Biên phòng từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa đã thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 49.585 tàu/233.327 ngư dân biết để di chuyển phòng tránh. Trong đó, trên biển có 1.255 tàu cá/12.767 lao động hoạt động trên biển đã biết diễn biến của bão và đang di chuyển phòng tránh.
Thiếu tướng cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị Biên phòng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Hiện tại, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị Biên phòng không cử cán bộ đi tuần tra biên giới khi đang có mưa lũ và có nguy cơ sạt lở đất đá.
Ông cũng thông tin, trong cơn bão số 9 vừa qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo đã sập hoàn toàn. Tuy nhiên, các đơn vị Biên phòng đã tính toán và di dời được toàn bộ vũ khí, tài sản, con người, đảm bảo an toàn.
"Hiện chúng tôi đã đưa lực lượng cảnh báo từ xa các khu vực nguy hiểm không để người dân vào các khu vực đó" - Thiếu tướng Đạo nói.
Đồn Biên phòng A Xan tỉnh Quảng Nam hiện nay cũng gần như đổ hoàn toàn nhưng đã kịp di dời các phương tiện, vũ khí, trang thiết bị đến nơi an toàn. Ngoài ra đã di chuyển 30 vị trí đóng quân có nguy cơ sạt lở đất đá đến nơi an toàn.
Qua rà soát hiện nay có 1.867 điểm đóng quân ở các khu vực đóng quân của Bộ đội Biên phòng đã có phương án kết hợp chặt chẽ với thông tin của cơ quan khí tượng và kinh nghiệm phòng chống lụt bão của địa phương, của đơn vị để có phương án đảm bảo an toàn.
Thiếu tướng Trần Văn Sơn, Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cũng cho biết kinh nghiệm trong quá trình ứng phó các cơn bão, đặc biệt là bão số 9 vừa qua cho thấy cần có sự khảo sát tổng thể để đưa ra hoạch định trong các nhiệm kỳ làm sao đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.
Cạnh đó, khi vận động người dân tránh trú bão phải có thái độ cương quyết, tránh trường hợp như tàu Vietship bị chìm ở Quảng Trị, Bộ đội Biên phòng đã ra thuyết phục, vận động nhưng công nhân không chịu vào dẫn đến khi xảy ra sự cố. Sau đó phải điều trực thăng ra ứng phó...