Ngày 17-9, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm công bằng, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.
Học sinh TP.HCM đang chọn mua sách giáo khoa. Ảnh: THỦY TRÚC
Từ trước đến nay chỉ có một bộ SGK duy nhất nên việc lựa chọn sách chưa bao giờ được đặt ra. Nay theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội "Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học", học sinh, phụ huynh, giáo viên và các trường lần đầu tiên đứng trước việc phải lựa chọn sách.
Để tránh xảy ra những ứng xử không phù hợp do thiếu thông tin, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường truyền thông để xã hội hiểu rõ quy định về việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK để học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên và các trường chủ động thực hiện.
Ông Thành cũng cho biết thêm, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục, theo nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh. Quy định cụ thể trách nhiệm của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, người đứng đầu cơ sở GD phổ thông trong việc quản lí việc lựa chọn, sử dụng SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Cạnh đó, có chế tài xử lí nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh. Làm tốt được việc này sẽ bảo đảm SGK có chất lượng tốt sẽ được đông đảo học sinh lựa chọn.
Trước băn khoăn về việc Bộ GD&ĐT vẫn chủ trì việc biên soạn SGK dẫn tới các tỉnh sẽ chọn bộ SGK của Bộ. Ông Thành cho biết sẽ không để tình trạng trên xảy ra.
Theo ông Thành, từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Đến nay, các cơ sở giáo dục đã xây dựng được kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Cùng với việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực, hoạt động dạy học hiện nay đã không còn quá lệ thuộc vào SGK. Vì vậy sẽ không xảy ra tình trạng muốn "an toàn" hay làm "đẹp lòng" Bộ mà địa phương phải chọn sách do Bộ biên soạn.
Hơn nữa, nếu có nhiều SGK thể hiện mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thì việc kiểm tra, đánh giá, thi phải bảo đảm không yêu cầu ghi nhớ, tái hiện thông tin, kiến thức. Thay vào đó là tập trung vào đánh giá năng lực học sinh (để phù hợp với các SGK khác nhau). Khi đó việc dạy học không thể chỉ truyền thụ kiến thức theo một SGK cụ thể nào mà phải tập trung vào thực hành, trải nghiệm, vận dụng kiến thức để phát triển năng lực. Sách nào có chất lượng tốt, thuận lợi cho việc dạy và học tích cực để phát triển năng lực sẽ có lợi thế.
Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK.