Bỏ giấy chuyển tuyến, nguy cơ tê liệt hệ thống y tế

(PLO)- Nếu bỏ giấy chuyển tuyến, người bệnh nhẹ cũng lên tuyến trên sẽ gây mất thời gian chờ đợi, làm tăng các chi phí xã hội và tăng chi từ Quỹ BHYT.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-10, chia sẻ bên lề hội thảo “Xây dựng Thông tư quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT”, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế Trần Thị Trang cho biết các quốc gia đều có hệ thống đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu và chuyển tuyến.

Bỏ giấy chuyển tuyến sẽ nhiều rủi ro

Bác sĩ Nam, chuyên ngành phẫu thuật tiêu hóa tại một bệnh viện tuyến trung ương, cho biết trung bình mỗi ngày anh đều mổ từ 2-4 ca. Những ngày không phải trực 24/24, khoảng 7-8 giờ tối các bác sĩ phẫu thuật như bác sĩ Nam mới ra khỏi phòng mổ.

“Một ca mổ nội soi dạ dày trung bình kéo dài hơn 3 giờ, chưa kể trách nhiệm và chăm sóc bệnh nhân sau mổ. Nếu sau mổ bệnh nhân không có vấn đề gì thì rất tốt, nhưng nhiều trường hợp sau mổ chưa ổn định ngay, chúng tôi cũng mệt mỏi, lo lắng, nhiều áp lực” - bác sĩ Nam nói.

giấy chuyển tuyến 1.jpg
Người dân xếp hàng đăng ký KCB tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TT

Các bệnh viện tuyến trung ương tiếp nhận số lượng bệnh nhân đến khám rất lớn. Đơn cử, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận từ 6.000-8.000 bệnh nhân ngoại trú đến khám và khoảng 4.000 bệnh nhân nội trú; Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận gần 6.000 bệnh nhân đến khám; con số này ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là hơn 2.000 người.

“Bất cứ người bệnh nào tới khám, chúng tôi đều tiếp nhận và phục vụ đến bao giờ hết bệnh nhân mới thôi. Trong khi cơ sở vật chất, nhân lực y tế chỉ có thế, không tăng, nên không tránh được quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm ghép, cùng với đó là tình trạng thiếu vật tư y tế cục bộ tại một số thời điểm” - lãnh đạo một bệnh viện tuyến trung ương nói.

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang, nếu bỏ giấy chuyển tuyến, người mắc bệnh thông thường, bệnh nặng và bệnh hiểm nghèo đều lên tuyến trên để điều trị. Như vậy, chính những người bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo sẽ bị ảnh hưởng, không được điều trị bệnh kịp thời do các bệnh viện quá tải, người bệnh nặng cũng phải chờ đợi để xếp lịch mổ.

“Số lượng bác sĩ, năng lực của bác sĩ chỉ có như vậy. Họ cùng phải tuân theo quy định về chuyên môn là mỗi ngày chỉ được mổ từng đó ca bệnh mà thôi.

Do vậy, nếu các bác sĩ phải làm quá tải thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc do áp lực cao hơn, từ đó các rủi ro, sai sót chuyên môn sẽ xảy ra” - bà Trang nói.

Việc bỏ giấy chuyển tuyến sẽ làm giảm chất lượng điều trị, những nguy cơ rủi ro cũng cao hơn.

Cùng với đó, bà Trang nhận định việc người mắc bệnh nhẹ cũng lên tuyến trên điều trị sẽ làm tăng các chi phí xã hội khác như lưu trú, đi lại và cũng làm tăng chi từ Quỹ BHYT.

“Cơ sở KCB ban đầu là nơi đầu tiên mà người bệnh được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Từ đây, nếu như bệnh nặng hơn, vượt quá yêu cầu của cơ sở tuyến dưới thì sẽ chuyển người bệnh lên tuyến trên. Các quốc gia trên thế giới đều thực hiện như vậy.

Điều này giúp ổn định hệ thống và phân bổ nguồn lực hiệu quả trong điều trị bệnh, cũng để bảo đảm chất lượng phục vụ cho người bệnh tốt nhất” - bà Trang nói.

Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang. Ảnh tư liệu: TT

Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang. Ảnh tư liệu: TT

Nguy cơ triệt tiêu y tế cơ sở

Trước đó, tại báo cáo đánh giá, nghiên cứu, phân tích tác động đối với đề xuất “cho phép người dân được đến bất kỳ cơ sở KCB nào mà không cần phải làm thủ tục chuyển tuyến”, Bộ Y tế nhấn mạnh việc bỏ giấy chuyển tuyến có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối trầm trọng hệ thống cơ sở KCB, tăng tình trạng quá tải tại các cơ sở tuyến tỉnh hoặc một số cơ sở tuyến trung ương.

Ngoài ra, điều này làm tăng khoảng cách chênh lệch về chuyên môn giữa các cấp chuyên môn, kỹ thuật, phá vỡ phân cấp chuyên môn và lệch trọng tâm nhiệm vụ cơ bản của từng cấp, nên không phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa được Quốc hội thông qua.

Cùng với đó, cơ sở KCB thường xuyên rơi vào tình trạng bị động, không thể xây dựng kế hoạch sát nhu cầu thực tiễn do không thể dự báo và ước tính được nhu cầu KCB. Nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế và các điều kiện bảo đảm phục vụ người bệnh.

Với y tế tuyến cơ sở, bỏ giấy chuyển tuyến có thể làm suy yếu, tê liệt hệ thống y tế, giảm điều kiện hành nghề của nhân viên y tế cơ sở, nguy cơ thiếu hụt cán bộ y tế, nhất là cán bộ có chuyên môn. Từ đó không phát triển được y tế cơ sở theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lãng phí nguồn lực đã đầu tư cho y tế cơ sở.

Do vậy, theo Bộ Y tế, để giữ ổn định hệ thống y tế phát triển hài hòa, hợp lý, người bệnh trước khi lên các cơ sở KCB tuyến trên cần phải qua hệ thống KCB ban đầu hoặc bác sĩ gia đình để được thăm khám trước.

tu-vong-do-sot-xuat-huyet.jpg
Tại một số bệnh viện lớn, nhiều giường phải nằm ghép do số lượng bệnh nhân điều trị nội trú quá đông. Ảnh minh họa: TT

Lối ra cho vấn đề chuyển tuyến

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang, thay vì tập trung vào việc bỏ hay giữ giấy chuyển tuyến, có thể nhìn nhận và giải quyết vấn đề này theo cách khác.

Thứ nhất, cần tiến hành giảm tải, cải cách và loại bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định khi người bệnh có thẻ đăng ký KCB ban đầu thì không phân biệt về địa giới hành chính, nên khi đi công tác hoặc thay đổi nơi tạm trú, trong trường hợp cấp cứu họ được KCB ở tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Thứ hai, dự thảo Luật cũng quy định người bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần kỹ thuật chuyên môn cao, kỹ thuật mới mà y tế tuyến dưới chưa có khả năng làm được ngay trong một thời điểm nhất định, cũng được chuyển lên tuyến trên tùy theo năng lực.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính. Thời gian tới, các cơ sở y tế sẽ thực hiện trích chuyển dữ liệu điện tử thống nhất, đồng bộ để các giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại được tích hợp trên VneID, từ đó giúp người dân giảm các thủ tục phiền hà.

Bộ Y tế cũng đang triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử và sẽ đưa vào sử dụng chính thức, tiến tới áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử theo lộ trình (dự kiến từ ngày 1-1-2027).

Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch để có thể liên thông kết quả xét nghiệm ở các tuyến. Như vậy, khi tuyến dưới chụp chiếu, xét nghiệm, gửi bệnh nhân lên tuyến trên cũng có cơ chế để công nhận kết quả xét nghiệm, chụp chiếu đó. Điều này giúp người bệnh không phải khám nhiều lần, giảm được các thủ tục, tiết kiệm chi phí cho cả người bệnh và Quỹ BHYT.

“Đây là những định hướng có thể thực hiện để bảo đảm chất lượng dịch vụ KCB, giảm tối đa phiền hà và tăng thuận lợi cho người bệnh. Nhưng trước hết, phải giữ ổn định đảm bảo sẵn sàng đáp ứng và chăm sóc của người bệnh” - bà Trang nhấn mạnh.

Hiện các trung tâm y tế huyện đã được Quốc hội thống nhất chuyển về cho UBND cấp huyện quản lý. Như vậy, địa phương có trách nhiệm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và xây dựng chiến lược về đào tạo, sử dụng, đãi ngộ và thu hút nhân lực cho y tế tuyến dưới.

Về chuyên môn, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa các yêu cầu chuyên môn để tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ KCB từ xa, luân phiên bác sĩ giỏi từ tuyến trên về tuyến dưới...

Cần phải thực hiện đồng bộ như vậy mới tăng cường được năng lực cho y tế cơ sở, thu hút người dân đến khám chữa bệnh ở tuyến ban đầu này.

TRẦN THỊ TRANG - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm