Ngày 4-7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký, kèm theo nghị quyết này là phương án về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Theo nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tư pháp căn cứ nội dung của phương án này chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ TTHC, giấy tờ công dân để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hình thành, vận hành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với phương án mà Chính phủ thông qua nói trên thì một số TTHC sẽ bị bãi bỏ gồm lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp và nhiều lĩnh vực quan trọng khác như thi hành án dân sự, bồi thường nhà nước...
Làm thủ tục hộ tịch tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD
Theo bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, thì nghị quyết này là “đích đến” của những điểm tốt, tích cực, tiến bộ nhằm đơn giản hóa TTHC, cải thiện chất lượng phục vụ dân ngày càng tốt hơn.
Chính phủ căn cứ vào phương án đơn giản hóa TTHC giao Bộ Tư pháp chủ trì làm việc với các bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ TTHC có liên quan.
Để thực hiện được việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các TTHC theo phương án trên cần phải có thời gian, lộ trình, bước đi phù hợp thì mới thực hiện được chứ không phải việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ đó làm được ngay từ ngày nghị quyết có hiệu lực (ngày 4-7).
Đồng thời, một điều kiện tiên quyết để thực hiện phương án này là phải có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này chứa đựng thông tin cơ bản về công dân như họ tên, tuổi, thường trú, tình trạng hôn nhân, CMND… Khi giải quyết hồ sơ hành chính thì cơ quan giải quyết chỉ cần tra cứu vào cơ sở dữ liệu này là có thông tin xử lý hồ sơ ngay mà không yêu cầu người dân nộp những giấy tờ liên quan như hiện nay.
Ví dụ cơ sở dữ liệu này có ghi rõ về tình trạng hôn nhân của bà A thì khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, bà A không cần xuất trình giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nữa.
Sau ngày Nghị quyết 58 có hiệu lực (ngày 4-7), Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan đến phương án trên cần bắt tay ngay vào việc thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao.
Sẽ bỏ cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân Trong lĩnh vực hộ tịch, theo phương án được thông qua sẽ bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài sẽ bỏ quy định xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em (trường hợp cha mẹ trẻ có đăng ký kết hôn). Trong thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì theo phương án sẽ bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam)… |