“Thủ tục hành chính đối với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm!” - tôi muốn nhắc lại lời phát biểu này của nguyên Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng (tại phiên họp thường vụ QH vào ngày 23-2-2016) khi nói đến các quy định hiện hành về thủ tục xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (còn gọi là giấy xác nhận độc thân).
Thủ tục xin cấp giấy xác nhận độc thân hiện hành là một minh chứng rõ ràng của nhận định mà nguyên chủ tịch QH nói ở trên.
Trước đây rất dễ thở
Trước khi Luật Hộ tịch có hiệu lực (1-1-2016), việc cấp giấy xác nhận độc thân cho người có yêu cầu được thực hiện theo quy định tại Nghị định 158/2005 và Thông tư 01/2008 của Bộ Tư pháp.
Theo đó, thủ tục xin cấp giấy này dựa trên nguyên tắc cho phép người dân tự cam kết và tự chịu trách nhiệm. Thông tư 01/2008 hướng dẫn cụ thể như sau: Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.
Trên thực tế, việc cấp giấy xác nhận độc thân theo các hướng dẫn nêu trên trở nên rất đơn giản. Bản thân tôi là người từng đăng ký thường trú ở nhiều nơi (Lâm Đồng, Vũng Tàu, TP.HCM). Tôi cũng đã hai lần xin giấy xác nhận độc thân, một lần để làm giấy tờ nhà (vào năm 2014) và một lần để thế chấp nhà vay tiền ngân hàng (vào năm 2015). Thực hiện nguyên tắc tự cam kết, việc xin cấp giấy xác nhận độc thân của tôi trở nên rất dễ dàng mà không phải thêm bất cứ một bước nào khác.
Làm thủ tục hành chính có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD
Nay khổ với việc tự chứng minh
Thế nhưng khi Luật Hộ tịch có hiệu lực, kèm theo đó là Nghị định 123/2015 ra đời thì việc xin cấp giấy xác nhận độc thân trở thành nỗi ám ảnh và cực hình đối với những công dân đã từng đăng ký thường trú ở nhiều nơi khác nhau.
Có việc này bởi khoản 4 Điều 22 Nghị định 123/2015 quy định: Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó…
Theo quy định này, nếu một người đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau đi xin cấp giấy xác nhận độc thân lần đầu thì sẽ phải về rất nhiều địa phương để xin xác nhận mà trong nhiều trường hợp, việc xin xác nhận này là bất khả thi.
Có nghĩa là để “chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình”, đương sự phải bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Điều đáng nói là với quy định trong Nghị định 123/2015, không chỉ người dân bị hành, mà công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, phường cũng thêm việc không kém.
Trong khi trước đó, người dân chỉ cần tự cam kết và chịu trách nhiệm về cam kết của mình là được cấp giấy và mọi chuyện trở nên rất đơn giản.
Tại sao sơ yếu lý lịch có rất nhiều thông tin quan trọng mà Nhà nước còn để cho người dân được tự cam kết, với giấy xác nhận độc thân sao lại bắt người dân chạy đông, chạy tây như vậy?
Tại sao công văn hướng dẫn mới nhất của Bộ Tư pháp (Công văn 1007 mà báo Pháp Luật TP.HCM ngày 13-7 đã phản ánh) đã gỡ vướng trường hợp công dân có thời gian cư trú ở nước ngoài theo hướng cho họ cam kết mà ở trong nước thì lại không?
Tại sao không để cho người dân được tự cam kết và chịu trách nhiệm về cam kết của mình như quy định trước đây?
Những câu hỏi này xin dành cho Bộ Tư pháp - với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Hộ tịch cũng như Nghị định 123/2015 - trả lời.
Bởi chính Bộ Tư pháp, trong tờ trình dự thảo Luật Hộ tịch đã khẳng định: Xét về tính chất thì tất cả các việc đăng ký hộ tịch đều là việc dân sự của người dân. Vì vậy trong quá trình đăng ký cần tạo điều kiện thuận tiện cho người dân!