Ấy thế, từ chỗ bình thường, thủ tục cấp giấy này đang trở thành “điểm nóng” sau khi Luật Hộ tịch 2015 và Nghị định hướng dẫn 123/2015… có hiệu lực thi hành.
Khi chưa có Luật Hộ tịch, việc cấp giấy xác nhận độc thân được thực hiện theo Nghị định 158/2005 và Thông tư 01/2008 của Bộ Tư pháp mà theo đó người dân được tự cam kết và tự chịu trách nhiệm. Cụ thể, theo Thông tư 01/2008, đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó thì người dân được viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan. Có nghĩa là người dân không phải đi làm thêm xác nhận mà chỉ cần viết một bản cam đoan là xong.
Chừng khi có Luật Hộ tịch thì việc cấp giấy xác nhận độc thân có sự thay đổi đáng ngại. Theo khoản 4 Điều 22 Nghị định 123/2015, nếu có đăng ký thường trú (không còn xét đến nơi tạm trú như quy định cũ) tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì chủ tịch UBND cấp xã sẽ có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó… Có nghĩa là người dân phải lặn lội làm thêm các xác nhận và sự gian nan đương nhiên tăng gấp nhiều lần nếu cá nhân từng có nhiều sổ hộ khẩu cộng với cách thức xử lý khác nhau của từng nơi. Chỉ khi người dân “bó tay” không chứng minh được thì UBND xã mới xác minh giúp.
Điều đáng nói là các nhọc nhằn từ việc “phải chứng minh” từng xảy ra trong thời gian dài trước đây nên Thông tư 01/2008 buộc phải “cho cam đoan” để dân dễ thở. Nay Nghị định 123/2015 lặp lại việc phải chứng minh, biến thủ tục cấp giấy xác nhận từ dễ thành khó. Có phải quá trình thực thi đã có phát sinh gì lớn nên thay vì cải tiến thì thành cải lùi?...
Rất tiếc, không có tổng kết về những khiếm khuyết từ việc thi hành quy định cho cam đoan để có thể giải thích thuyết phục vì sao Nghị định 123/2015 phải bãi bỏ nội dung này. Lý do đơn giản là ngành tư pháp chỉ nắm được sự vụ nếu có khiếu nại (và đến giờ số trường hợp gian dối mà ngành phát hiện được rất ít); còn các tòa khi giải quyết các tranh chấp liên quan theo thẩm quyền thì lại không chuyển thông tin cho ngành tư pháp cập nhật. Để rồi các cơ quan chức năng đã đẩy khó cho dân trong việc phải tự chứng minh (trong khi chính các UBND cấp xã cũng không dễ dàng kiểm tra, xác minh do thiếu cơ sở dữ liệu hộ tịch có các thông tin cần thiết của công dân, như kết hôn, ly hôn, bị tòa tuyên mất tích, chết…).
Không thể “một người đau, cả làng phải uống thuốc”! Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 123/2015 để phục hồi việc cho cam đoan như cũ nhằm tiện cho dân lẫn UBND cấp xã, nhất là khi kho dữ liệu thông tin cá nhân của cả nước vẫn còn ở thời tương lai xa do lâu nay các cơ quan mạnh ai nấy làm, thiếu phối hợp. Bấy giờ ai cam đoan sai sự thật thì pháp luật cứ chế tài, mức xử phạt hành chính hoặc hình sự nếu hiện tại chưa “ép phê” hoặc chưa có thì kịp thời tính toán để nâng lên hoặc bổ sung.
Trước mắt, từ những bộn bề của việc triển khai tại nhiều địa phương mà Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải cùng với một số cơi nới tích cực có phần vượt trên nghị định (như cho phép cá nhân được cam đoan về tình trạng hôn nhân trong thời gian sống ở nước ngoài…), Bộ Tư pháp cần có văn bản lưu ý các địa phương thống nhất thực hiện đúng quy định. Các sai sót do cán bộ không biết pháp luật hoặc chỉ vì muốn hành dân cho mục đích xấu (như thay vì căn cứ vào sổ bộ hộ tịch thì lại bắt dân cậy cục tổ trưởng dân phố xác nhận; cấp giấy xác nhận không đủ nội dung theo yêu cầu…) phải tuyệt đối chấm dứt và người làm sai phải bị xử lý thích đáng để dân đỡ bị gây thêm phiền hà.