Trong quá trình tự chứng minh tình trạng độc thân, người dân đã gặp phải những đòi hỏi phi lý khiến họ rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Chẳng hạn: Phải có ý kiến của tổ trưởng dân phố thì UBND cấp xã mới xác nhận.
Mất sức vì xin ý kiến tổ trưởng
Tôi sống ở Huế từ nhỏ, đến năm 1991 thì tôi vào sống tại TP.HCM và chuyển hộ khẩu vào đây luôn. Vừa qua, tôi cần bổ sung giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nên UBND phường nơi tôi ở yêu cầu tôi phải về Huế (nơi có hộ khẩu thường trú cũ) xác nhận tình trạng hôn nhân từ khi tôi 18 tuổi đến năm 1991.
Thực tế là tôi rời Huế từ năm 1991, quay về lại thì có quá nhiều thay đổi. Lẽ ra UBND phường nơi đây phải dựa vào giấy tờ, hồ sơ lưu hành chính để đáp ứng yêu cầu của tôi thì họ lại bảo tôi đến gặp tổ trưởng tổ dân phố để xác nhận trước rồi họ mới ký giấy. Tôi đến gặp tổ trưởng nhưng ông ấy là người mới đến, đâu biết tôi là ai, làm sao biết được tôi từng sống, có nhà, hộ khẩu tại địa phương, từng kết hôn hay chưa. Những người quen cũ cũng lần lượt không còn hoặc di chuyển nơi khác… Cuối cùng, tìm mãi tôi mới gặp được người quen cũ để họ nói giúp một tiếng với ông tổ trưởng.
Thật ra, nếu xác nhận độc thân theo cách ở trên thì bản thân tôi cảm thấy độ chính xác không cao, chỉ tổ mất công sức và tiền bạc. Giả sử tôi không tìm được người quen nào hết thì tôi phải cày cục năn nỉ tổ trưởng? Hoặc giả sử tôi gian dối, nhờ người quen gật bừa, ông tổ trưởng xác nhận thì phường cũng tin vào đó mà đóng dấu hay sao?
NGUYỄN DIỆP PHÚC (Quận Tân Bình, TP.HCM)
Việc xác nhận tình trạng độc thân để làm giấy tờ nhà, kết hôn… vẫn xảy ra tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu. Ảnh minh họa: HTD
Làm sao biết ai đã có vợ, có chồng?
Hiện có tình trạng khi đến phường xin xác nhận độc thân thì cán bộ tư pháp yêu cầu về xin xác nhận của ông/bà tổ trưởng dân phố, sau đó phường mới ký xác nhận. Thật là vô lý! Ông/bà tổ trưởng dân phố không thể biết được việc người yêu cầu xác nhận độc thân thực tế đã kết hôn hay chưa. Dẫu đương sự có đang ở chung với người khác như vợ chồng thì cũng chưa chắc họ là vợ chồng. Tổ trưởng dân phố cũng đâu phải là một cấp chính quyền. Nếu xác nhận sai, tổ trưởng dân phố có chịu trách nhiệm? Khi ấy xử lý ra sao đối với ông/bà ấy? Buộc dân phải qua thủ tục ấy, nhiều khi còn khiến ông/bà tổ trưởng thấy mình “oai quá” thì dân lại khổ với tổ trưởng. Theo tôi, sự cam đoan của đương sự là quan trọng nhất. Nếu có chuyện gì thì cá nhân tự chịu trách nhiệm!
HOÀNG HẢI (hoanghai… @gmail.com)
Sao chỗ đòi, chỗ không?
Cách đây chừng hơn hai tháng, đọc thông tin về chuyện một anh ở Hà Nội cả năm không cưới được vợ, tôi hết cười lăn rồi lại băn khoăn về cách giải quyết công việc của cán bộ. Người đàn ông nói trên đã ly hôn, đầu năm 2016 muốn kết hôn lần hai. Tòa quận cấp cho anh bản sao quyết định thuận tình ly hôn nhưng lại kèm theo câu “Để làm các thủ tục khác, không có giá trị đăng ký kết hôn”. Vậy là cán bộ phường không đồng ý cho anh làm thủ tục đăng ký kết hôn. Anh đến tòa xin bản trích lục khác không kèm câu trên thì cán bộ tòa bảo anh về xin ông tổ trưởng dân phố xác nhận tình trạng hôn nhân, rồi lên phường đóng dấu xác nhận chữ ký của ông tổ trưởng. Nhưng đến khi ông tổ trưởng xác nhận xong thì UBND phường lại không chịu đóng dấu vì trưởng tổ dân phố không có quyền hạn xác nhận tình trạng hôn nhân. Đến khi cấp trên vào cuộc thì mọi sự mới êm xuôi.
Trong khi trường hợp trên không công nhận xác nhận của ông tổ trưởng thì có khá nhiều nơi yêu cầu phải có tổ trưởng mới xong, dù Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2016 không hề có yêu cầu này. Trong nghiệp vụ đăng ký và quản lý hộ tịch, việc xác nhận tình trạng hôn nhân được thực hiện bằng cách tra cứu sổ đăng ký kết hôn. Lẽ ra khi cần xác minh thì cán bộ tư pháp - hộ tịch phải tự mình thực hiện việc xác minh chứ đâu thể giao trách nhiệm cho người khác.
Các địa phương và cơ quan quản lý cần phải rà soát thường xuyên hoạt động của cán bộ chính quyền cơ sở nhằm đảm bảo mọi nơi đều làm đúng quy định, đừng để họ tự đặt ra những quy định, thủ tục hành dân kiểu như trên.
NGUYỄN MINH TRUNG (Quận Thủ Đức, TP.HCM)
Bà TRẦN THỊ HỒNG NGUYỆT, Chủ tịch UBND phường Bình An, quận 2, TP.HCM: Luật đâu yêu cầu có ý kiến tổ trưởng Kể từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật này ra đời thì việc cấp giấy xác nhận độc thân khó khăn hơn cho người dân và cán bộ phường cũng cực hơn. Bởi lẽ, nếu người dân từng qua nhiều nơi cư trú thì họ phải tự chứng minh tình trạng độc thân ở tất cả nơi đã qua, nếu họ không tự chứng minh được thì phải trình bày để UBND phường chủ động gửi văn bản xác minh ở các nơi ấy rồi chờ có kết quả trả lời thì mới chứng nhận giấy xác nhận độc thân. Điều này trước kia theo quy định cũ không hề có, những người qua nhiều nơi cư trú chỉ cần làm cam kết và tự chịu trách nhiệm về cam kết đó. Về thủ tục yêu cầu cấp giấy xác nhận độc thân thì người yêu cầu chỉ phải nộp tờ khai (theo mẫu) tại UBND phường, CMND… kèm theo các giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân (nếu có). Không thể yêu cầu người dân phải quay về công an khu vực hay tổ trưởng tổ dân phố xác nhận về nội dung trên. Ông NGÔ XUÂN BÌNH, Chủ tịch UBND phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM: Chủ động gửi văn bản xác minh Gần đây, người dân có nhu cầu cấp giấy xác nhận độc thân khá nhiều vì họ được yêu cầu bổ sung khi đi làm thủ tục nhà đất, ngân hàng, công chứng. Nhiều người lên làm thủ tục cấp giấy qua đến năm chỗ thường trú, có người qua nhiều tỉnh, thành nên việc phải quay về các nơi này để chứng minh tình trạng hôn nhân của họ là khá vất vả, tốn kém. Vì thế, ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ thì chúng tôi chủ động gửi ngay văn bản để xác minh tình trạng hôn nhân của người yêu cầu (một người có khi gửi tới năm văn bản/năm nơi xác minh) chứ không yêu cầu người dân tự đi, cũng không có chuyện yêu cầu họ gặp tổ trưởng dân phố xác nhận về nội dung trên vì luật đâu có quy định. KIM PHỤNG ghi |