Việc bỏ hay giữ bộ đếm ngược đèn giao thông đang thu hút sự quan tâm của dư luận và các nghiên cứu cho thấy việc này ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và thói quen lái xe của người tham gia giao thông.
Không chỉ ở Việt Nam, câu chuyện về bộ đếm ngược đèn giao thông cũng là đề tài được thảo luận rộng rãi trên thế giới. Trong các đô thị lớn tại châu Á, nhiều thành phố đã lắp đặt bộ đếm ngược đèn đỏ với kỳ vọng giúp người lái xe đưa ra quyết định kịp thời và giảm bớt sự do dự khi tiếp cận giao lộ.
Bài viết này sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc một số góc nhìn liên quan câu hỏi có nên giữ hay bỏ bộ đếm ngược tín hiệu đèn giao thông, dựa trên các nghiên cứu của các học giả quốc tế.
Nghiên cứu 1: Nên giữ đếm giây, nhưng cân nhắc kỹ thời gian đếm ngược
Giao lộ có đèn tín hiệu là đặc điểm phổ biến của hệ thống giao thông đô thị, nơi người lái xe thường phải đưa ra những quyết định nhanh chóng. Một trong những tình huống điển hình là khi đèn xanh sắp chuyển sang vàng, người lái xe cần chọn giữa việc dừng lại hay tiếp tục di chuyển qua giao lộ. Đây được gọi là “vùng tiến thoái lưỡng nan”, một vùng suy nghĩ tiềm ẩn rủi ro cao về tai nạn giao thông nếu người lái xe xử lý không kịp thời.
Để giúp người lái xe đưa ra quyết định tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ tại các giao lộ, nhiều nơi đã lắp đặt bộ đếm ngược, hiển thị số giây còn lại cho đến khi đèn đổi màu.
Tuy nhiên, trên thực tế, các bộ đếm ngược này thường có sự khác biệt lớn về thời lượng và kiểu hiển thị giữa các thành phố, thậm chí giữa các giao lộ trong cùng một khu vực. Chẳng hạn, tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), một số giao lộ hiển thị toàn bộ thời gian đếm ngược, trong khi những giao lộ khác chỉ hiển thị 10 giây cuối hoặc nhấp nháy đèn trong 5 giây cuối cùng để báo hiệu.
Những sự không đồng nhất này khiến người lái xe dễ bối rối khi đối mặt với các kiểu hiển thị không quen thuộc, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Nếu thời gian đếm ngược quá ngắn, người lái xe có thể cảm thấy áp lực phải ra quyết định nhanh chóng, dẫn đến những hành động như phanh gấp hoặc tăng tốc nguy hiểm. Hiện tượng này được giải thích bằng khái niệm “temporal discounting” (tạm dịch: chiết khấu trì hoãn), theo đó con người có xu hướng ưu tiên lợi ích trước mắt (như việc vượt qua giao lộ kịp thời) mà bỏ qua rủi ro tương lai.
Ngược lại, khi thời gian đếm ngược quá dài, người lái xe có thể trở nên lơ đễnh do giảm sự cảnh giác. Điều này cũng làm tăng khả năng tai nạn, vì người lái xe không kịp phản ứng trước các tình huống bất ngờ. Ngoài ra, việc thiếu sự thống nhất trong thiết kế đèn tín hiệu cũng có thể khiến người lái xe khó nhận biết và xử lý tình huống một cách chính xác, dẫn đến tăng tỷ lệ do dự và sai lầm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi người lái xe không có thông tin rõ ràng và nhất quán, khả năng xảy ra tai nạn có thể vượt quá 90%. Do đó, việc chuẩn hóa bộ đếm ngược là rất quan trọng. Các bộ đếm ngược nên được thiết kế theo hướng thống nhất, dễ nhìn và thân thiện với người dùng nhằm giảm thiểu rủi ro, cải thiện khả năng ra quyết định của người lái xe và nâng cao an toàn giao thông.
Theo nghiên cứu “Khám phá tác động của bộ đếm ngược đối với hành vi lái xe của những người lái xe có tính cách khác nhau: Nghiên cứu mô phỏng thực tế ảo”, màn hình đếm ngược có thời lượng dài hơn giúp giảm thiểu sự do dự của người lái xe.
Nghiên cứu này thực hiện với sự tham gia của 31 người, sử dụng công nghệ Unity3D để mô phỏng đèn tín hiệu giao thông. Nghiên cứu do nhóm học giả Trung Quốc, gồm Mian Yan, Mansheng Zhuang, và Alex Pak Ki Kwok, thực hiện.
Ngược lại, thời lượng đếm ngược ngắn có xu hướng làm tăng sự do dự, gây khó khăn cho việc quyết định dừng hay đi tiếp. Do đó, để cải thiện sự an toàn tại giao lộ, nên ưu tiên sử dụng các màn hình đếm ngược kéo dài hơn.
Theo nghiên cứu trên, thời gian đếm ngược đèn giao thông lý tưởng là trong khoảng 5-10 giây.
Nghiên cứu 2: Bỏ là phương án khả thi
Một nhóm chuyên gia Trung Quốc và Mỹ đã thực hiện nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả của bộ đếm ngược và những hệ quả đối với an toàn giao thông” để hiểu sâu hơn về vấn đề có nên giữ hay bỏ bộ đếm ngược. Nghiên cứu được thực hiện ở các giao lộ tại Hong Kong.
Nghiên cứu này đã kết hợp giữa thí nghiệm mô phỏng lái xe và quan sát thực tế tại các giao lộ để đánh giá tác động của bộ đếm ngược đối với an toàn giao thông. Trong thí nghiệm mô phỏng, 80 người tham gia đã lái xe với tốc độ 50 km/giờ qua các giao lộ có lắp đặt bộ đếm ngược, trong hai tình huống: lái xe một mình và lái xe theo sau một phương tiện khác.
Song song với đó, các nhà nghiên cứu tiến hành quan sát thực tế tại những giao lộ có và không có bộ đếm ngược để so sánh số lượng vi phạm vượt đèn đỏ cũng như mức độ an toàn trong ngắn hạn (1 tuần) và dài hạn (1 năm).
Kết quả cho thấy bộ đếm ngược mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm vi phạm vượt đèn đỏ trong thời gian đầu sau khi lắp đặt. Tuy nhiên, về lâu dài, tác động tích cực này không còn rõ rệt. Thậm chí, việc sử dụng bộ đếm ngược đã làm phát sinh những hành vi lái xe nguy hiểm như tăng tốc đột ngột khi thấy bộ đếm ngược sắp kết thúc hoặc phanh gấp khi không kịp vượt qua giao lộ. Những hành vi này làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra va chạm từ phía sau, đặc biệt khi xe đi sau không kịp phản ứng với tốc độ thay đổi đột ngột của xe phía trước.
Quan trọng hơn, bộ đếm ngược khiến người lái xe thay đổi thói quen lái xe một cách thiếu ổn định, làm tăng tính bất định khi điều khiển phương tiện tại các giao lộ. Mặc dù mục tiêu ban đầu của bộ đếm ngược là giảm thiểu sự do dự và hỗ trợ người lái xe trong việc đưa ra quyết định, nhưng về lâu dài, nó lại gây ra những hệ lụy tiêu cực, làm giảm tính an toàn tổng thể tại các giao lộ.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả khuyến nghị cân nhắc loại bỏ bộ đếm ngược tại các giao lộ có đèn tín hiệu, thay vào đó là những giải pháp thông minh hơn, chẳng hạn như hệ thống đèn tín hiệu điều chỉnh linh hoạt theo lưu lượng giao thông hoặc các công nghệ cảnh báo va chạm tiên tiến. Những giải pháp này không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ tai nạn mà còn góp phần xây dựng hệ thống giao thông an toàn và hiệu quả hơn.
Kết luận, dù bộ đếm ngược mang lại một số lợi ích ban đầu, nhưng những rủi ro dài hạn mà nó gây ra là điều không thể bỏ qua. Việc tiếp tục triển khai bộ đếm ngược cần được cân nhắc thận trọng, nhằm tránh gây thêm nguy cơ cho người tham gia giao thông, đặc biệt tại các giao lộ đông phương tiện.