Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Sở GTVT TP.HCM góp ý về dự thảo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, về việc phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tiến tới ngừng hoạt động xe máy vào năm 2030, Bộ GTVT cho rằng đây là giải pháp ảnh hưởng đến đời sống người dân, do đó cần nghiên cứu kỹ các điều kiện cần thiết, những yêu cầu cần giải quyết để đảm bảo việc đi lại của người dân khi hạn chế hoạt động xe máy.
Bên cạnh đó, đề án cần xác định cụ thể khu vực hạn chế, có phương án tổ chức giao thông hợp lý đảm bảo kết nối giữa giao thông công cộng với giao thông cá nhân. Đồng thời, có lộ trình từng bước tiến tới ngưng hoạt động xe máy theo tuyến, khu vực, thời gian trong ngày và các giải pháp hỗ trợ nhằm giảm tác động bất lợi đối với người dân.
Bộ GTVT cũng đề nghị bổ sung thông tin về hiện trạng và các kịch bản dự báo phát triển phương tiện, đặt trong mối tương quan với phát triển đô thị tại kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hà Nội và TP.HCM đang gặp khó trong việc hạn chế phương tiện cá nhân. Ảnh: V.LONG
Ngoài ra, TP cần bổ sung nội dung về đánh giá tính khả thi của từng nhóm giải pháp được nêu trong đề án, đề xuất và xây dựng lộ trình ưu tiên cụ thể cho từng giải pháp, tránh tình trạng dàn trải, thiếu đồng bộ, gây lãng phí trong đầu tư và các giải pháp hỗ trợ nhằm giảm tác động bất lợi đối với người dân.
Trước đó, Sở GTVT TP có dự thảo đề án với mục tiêu đến năm 2020, thị phần vận tải hành khách công cộng toàn TP đảm nhận 15%-20% nhu cầu di chuyển của người dân.
Đến năm 2025 đạt 20,5%-26,6% và đến năm 2030 tỉ lệ này sẽ tăng lên 29,3%-36,8%. Sở GTVT nhận định khi thị phần đảm nhận của hệ thống vận tải công cộng tăng, tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện cá nhân sẽ giảm tương ứng.
Nếu đề án được thông qua, TP sẽ hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5, 10...) vào giai đoạn 2025-2030, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại trong khu vực hạn chế, với cự ly tiếp cận trung bình của khách đạt dưới 500 m.
Dự kiến kinh phí thực hiện đề án khoảng 52.489 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 9.783 tỉ đồng, giai đoạn 2 là 18.896 tỉ đồng, giai đoạn 3 là 23.810 tỉ đồng.