Bộ GTVT đồng thuận đề xuất nghiên cứu đầu tư cảng Trần Đề

(PLO)- Bộ GTVT ủng hộ sự cần thiết thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Trần đề theo đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng bày tỏ sự thống nhất ủng hộ ý kiến đề xuất quy mô dự án khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề thuộc cảng biển loại đặc biệt.

Về nguồn vốn lập nghiên cứu tiền khả thi dự án khu bến cảng Trần Đề, Bộ GTVT cho biết theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có xác định quan điểm huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cảng, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm; ưu tiên nguồn lực Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT ủng hộ sự cần thiết thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư khu bến cảng Trần Đề làm cơ sở kêu gọi đầu tư theo định hướng quy hoạch cảng biển được duyệt. Đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu nguồn vốn, có thể từ nguồn ngoài ngân sách hoặc ngân sách để tổ chức thực hiện theo quy định.

Cảng Trần Đề được kỳ vọng sẽ giúp hàng hóa khu vực ĐBSCL được xuất ra nước ngoài nhanh hơn. Ảnh minh họa
Cảng Trần Đề được kỳ vọng sẽ giúp hàng hóa khu vực ĐBSCL được xuất ra nước ngoài nhanh hơn. Ảnh minh họa

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và đề xuất của tỉnh Sóc Trăng, đến năm 2030, cảng Trần Đề sẽ xây dựng 6 bến cảng dài 1.600 - 2.200 m, gồm 4 bến tổng hợp, hàng rời tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000DWT giảm tải và 2 bến container tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000DWT. Công suất hàng hóa thông qua khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm, diện tích cảng rộng 1.400 ha.

Cảng cũng sẽ có bến sà lan dài 500 m tiếp nhận sà lan đến 5.000T phục vụ tiếp chuyển hàng hóa từ bến cảng ngoài khơi vào phía bờ, cầu dẫn vượt biển dài 18 km.

Định hướng đến năm 2050 và sau năm 2050, nâng cấp cảng lên 7 bến tổng hợp và 8 bến container, tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 DWT (18.000Teu). Công suất hàng hóa thông qua cảng khoảng 80 - 100 triệu tấn/năm.

Giai đoạn này cũng sẽ kéo dài cầu cảng tiếp chuyển hàng hóa phía bờ lên 7.300 m, tiếp nhận tàu, phương tiện thủy nội địa, sà lan đến 5.000 DWT; công suất hàng hóa thông qua khoảng 40 - 50 triệu tấn mỗi năm.

Theo tính toán ban đầu của UBND tỉnh Sóc Trăng, để sớm hình thành cảng cửa ngõ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình gồm: cầu vượt biển, đường kết nối sau cảng với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đê chắn sóng, bến cảng Trần Đề ngoài khơi, luồng tàu giai đoạn đến năm 2030. Sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án khoảng 42.423 tỉ đồng. Trong đó, tiền xây cầu vượt biển khoảng 8.886 tỉ đồng, đường kết nối phía sau cảng 663 tỉ đồng, bến cảng ngoài khơi 24.052 tỉ đồng.

Với số tiền trên, tỉnh cho biết riêng tuyến đường sau cảng dài 6,1 km kết nối từ bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề đến điểm cuối tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại Quốc lộ Nam sông Hậu đề nghị sử dụng ngân sách Trung ương đầu tư. Tuyến đê chắn sóng giai đoạn đến năm 2030 dài 6,1 km, tỉnh dự kiến đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó kiến nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành liên quan xem xét sử dụng ngân sách trung ương để góp vốn cùng nhà đầu tư.

Việc xây cảng Trần Đề, tỉnh sẽ huy động nguồn lực xã hội, nên nhà đầu tư chịu trách nhiệm về nguồn vốn và hiệu quả đầu tư. Nhà nước tạo mọi điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm