Tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ của Bộ GTVT vào sáng 28-12, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, cho biết năm 2023 là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án giao thông
Cụ thể là việc khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường.
“Lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến vành đai đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, khởi công công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất....
Đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án dài 475 km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định tiếp tục đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Cụ thể, năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94 nghìn tỉ đồng, cao nhất từ trước tới nay và gấp 1,7 lần so với năm 2022. Song song đó là số vốn sự nghiệp kinh tế, hơn 19,9 nghìn tỉ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
“Bộ GTVT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả để điều hành giải ngân kế hoạch vốn. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ kế hoạch dự kiến đạt trên 95%”- Bộ trưởng cho hay.
Cơ bản tình trạng ùn tắc tại các trung tâm Đăng kiểm
Về hoạt động vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Đến hết tháng 11-2023, sản lượng hàng hóa tăng 12,9%, luân chuyển hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ, sản lượng hành khách tăng 11,5%, luân chuyển hành khách tăng 23,9% so với cùng kỳ.
Thêm vào đó, trong năm 2023, Bộ GTVT cũng tích cực tháo gỡ những vấn đề tồn tại của ngành. Trong đó có việc quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý những tồn tại, khó khăn sau những sai phạm của hoạt động Đăng kiểm. Đến tháng 6-2023, đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại các trung tâm Đăng kiểm.
Hiện nay, Bộ đang tập trung thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện hoạt động đăng kiểm theo hướng “có đóng, có mở”, công khai, minh bạch, hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ ra bốn tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Cụ thể là công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” còn diễn ra ở nhiều địa phương. Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
“Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ GTVT cho biết năm 2024, đơn vị sẽ hoàn thành thủ tục khởi công nhiều dự án giao thông. Trong đó, ba dự án giao thông quan trọng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư gồm: cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Chợ Mới - Bắc Kạn, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Cạnh đó, Bộ phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản gồm: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình, Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình, Gia Nghĩa - Chơn Thành, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Hòa Bình - Mộc Châu và Vành đai 4 TP.HCM.