Đây là dự án sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công nhưng rất chậm chạp, không đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng công trình kém, đường ray uốn lượn theo hình sin. Cử tri đề nghị giám sát chặt chẽ dự án này và kiên quyết cắt hợp đồng nếu như không đảm bảo tiến độ.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT cho biết dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3136 ngày 15-10-2008 trên cơ sở Hiệp định khung vay vốn ưu đãi được ký kết ngày 30-5-2008 giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc, trong đó giao Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện hợp đồng theo hình thức EPC.
Theo Bộ GTVT, dự án trên là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng trong việc kiểm soát kỹ thuật, công nghệ. Nhiều hạng mục công trình không có trong quy trình, quy phạm của Việt Nam nên phải sử dụng quy trình, công nghệ đường sắt đô thị của Trung Quốc. Các quy định về hồ sơ thiết kế, dự toán, hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều khác biệt, vì vậy cần phải có thời gian để Bộ GTVT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện dự án do nhiều yếu tố khách quan nên một số hạng mục công trình đã phải điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, như thay đổi nhà ga từ hai tầng thành ba tầng để hạn chế diện tích giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, bổ sung bãi đúc dầm do chậm giải phóng mặt bằng tại nghĩa trang Văn Nội - Hà Đông. Đồng thời, bổ sung hạng mục đường tránh quốc lộ 6 để đảm bảo giao thông, thay đổi vỏ tàu sắt sang vỏ tàu inox… nên phải điều chỉnh lại dự án và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Vì các khó khăn, vướng mắc nêu trên nên tiến độ của dự án cũng bị chậm so với kế hoạch đề ra. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các khó khăn, vướng mắc đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã cơ bản được giải quyết. Căn cứ khối lượng thực tế đạt được hiện nay khoảng 68%, Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan tập trung nhân lực, máy móc thiết bị làm tăng ca (ba ca/ngày) để đảm bảo hoàn thành toàn bộ các hạng mục của dự án trước 31-12-2016, vận hành khai thác vào quý I-2017.
Đối với dự án này, trắc dọc thiết kế đi qua 12 nhà ga có độ dốc đường ra-vào ga tối đa 230/00¬ (23 phần nghìn) phù hợp với quy trình và việc thiết kế đã xem xét các điểm khống chế như tại vị trí vượt đường đô thị, đường dân sinh cắt ngang qua tuyến như đường vành đai, các đường phố thuộc các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa, các cầu dân sinh để đảm bảo tĩnh không. "Như vậy việc thiết kế cao độ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã xem xét đầy đủ yếu tố, thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn sau khi đưa vào vận hành khai thác" - Bộ GTVT khẳng định.