Về vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng đã có chỉ đạo cơ quan đăng kiểm chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông để hướng dẫn người dân hiểu và chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Đối với các loại ô tô, xe chở hàng bốn bánh, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ (chạy bằng xăng hoặc năng lượng điện), xe mô tô, xe gắn máy, xe mô tô điện và xe đạp điện, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chất lượng các loại phương tiện nêu trên từ khâu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, đăng ký biển số và đăng kiểm khi tham gia giao thông đã đầy đủ. Riêng xe chở hàng, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ chỉ được phép hoạt động trong phạm vi hạn chế theo quy định của các địa phương.
Xe ô tô điện rao bán trên các trang mạng Facebook.
Đối với xe ba bánh, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP thì kể từ 2008 các loại xe cơ giới ba bánh (trừ xe cơ giới 3 bánh làm phương tiện đi lại cho thương binh, người tàn tật) không được cấp phép lưu hành mới để tham gia giao thông.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, các phương tiện cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành (được kiểm tra, kiểm soát về chất lượng từ khâu sản xuất, nhập khẩu trước khi lưu thông trên thị trường và tham gia giao thông). Hiện tại loại xe giao bán trên mạng xã hội (ô tô điện 2-4 bánh với giá từ 30 đến 70 triệu đồng/chiếc, chở được 3-4 người, chạy tốc độ 50-60 km/h) chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam đăng kiểm để kiểm định chất lượng và đánh giá ban đầu thì loại xe này không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật theo quy định hiện hành để tham gia giao thông.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Bộ GTVT khuyến cáo tổ chức, cá nhân không mua, sử dụng loại phương tiện nêu trên để tránh thiệt hại về kinh tế do việc mua nhưng không được sử dụng.