Bộ Hiệu suất chính phủ mà ông Donald Trump muốn tỉ phú Musk lãnh đạo đặc biệt thế nào?

(PLO)- Một trong những lựa chọn nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump nhận được sự chú ý lớn từ giới quan sát là việc ông chọn tỉ phú Elon Musk vào vị trí đồng lãnh đạo một cơ quan mới toanh mà ông dự kiến thành lập một khi về lại Nhà Trắng - Bộ Hiệu suất chính phủ.

Vừa qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn tỉ phú Elon Musk và cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy vào các vị trí đồng lãnh đạo Bộ Hiệu suất chính phủ mà ông dự định sẽ thành lập khi quay lại Nhà Trắng, theo đài CNN.

Bộ Hiệu suất chính phủ sẽ không phải cơ quan liên bang

Trong thông báo đề cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump nhấn mạnh rằng hai ông Musk và Ramaswamy “sẽ thực hiện những thay đổi đối với bộ máy hành chính liên bang theo hướng hiệu quả và đồng thời cải thiện cuộc sống cho mọi người dân Mỹ".

Chi tiết về Bộ Hiệu suất chính phủ mà ông Donald Trump viết tắt là DOGE vẫn chưa được công bố.

Ông Donald Trump và tỉ phú Elon Musk trong cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania hồi tháng 10. Ảnh: REUTERS

Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ nói rằng cơ quan mới sẽ không phải là một cơ quan liên bang mà sẽ cung cấp hướng dẫn "bên ngoài chính phủ" bằng cách hợp tác với Nhà Trắng và Văn phòng Quản lý và Ngân sách "để thúc đẩy cải cách cơ cấu quy mô lớn và tạo ra cách tiếp cận mang tính doanh nhân đối với chính phủ chưa từng thấy trước đây".

Nhiệm vụ của Bộ Hiệu suất chính phủ

Trong thông báo đề cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump kỳ vọng hai ông Musk và Ramaswamy “sẽ mở đường cho chính quyền của tôi trong việc xóa bỏ bộ máy quan liêu, cắt giảm các quy định dư thừa, cắt giảm chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang".

Ông Donald Trump cho biết công việc của ông Musk và ông Ramaswamy sẽ kết thúc vào ngày 4-7-2026, nói thêm rằng một chính phủ nhỏ hơn và hiệu quả hơn sẽ là "món quà" cho nước Mỹ vào dịp kỷ niệm 250 năm ngày ký Tuyên ngôn Độc lập.

Ông Donald Trump muốn bãi bỏ Bộ Giáo dục, trao cho các bang quyền kiểm soát lớn hơn đối với việc học hành. Tổng thống đắc cử cũng muốn cắt giảm mạnh "nhà nước ngầm" – những nhân viên liên bang lâu năm mà ông cho là đang bí mật theo đuổi chương trình nghị sự của riêng họ.

Ông Donald Trump và tỉ phú Musk gợi ý rằng nhiệm vụ của Bộ Hiệu suất chính phủ là sẽ tập trung vào việc cắt giảm, bao gồm ngân sách liên bang. Trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 9, ông Donald Trump đã chỉ ra rằng cơ quan hiệu suất chính phủ do ông đề xuất như một cách để giảm chi tiêu của chính phủ.

"Là nhiệm vụ đầu tiên, cơ quan này sẽ xây dựng một kế hoạch hành động để loại bỏ hoàn toàn gian lận và thanh toán không đúng trong vòng 6 tháng. Điều này sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỉ USD" - ông Donald Trump nói.

Ông Donald Trump (trái) và ông Vivek Ramaswamy trong cuộc vận động tranh cử ở bang Nevada hồi tháng 10. Ảnh: REUTERS

Tại một cuộc vận động tranh cử của ông Donald Trump hồi tháng 10, tỉ phú Musk - người sở hữu các công ty bao gồm nhà sản xuất xe điện Tesla và công ty vũ trụ thương mại SpaceX - nói rằng ngân sách liên bang có thể bị cắt giảm "ít nhất" 2.000 tỉ USD.

Tuy nhiên theo Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ, mục tiêu đầy tham vọng trên vượt quá ngân sách chi tiêu tùy ý, bao gồm chi tiêu quốc phòng ước tính lên tới 1.900 tỉ USD trong năm tài khóa 2024.

Bên cạnh đó, Hiến pháp Mỹ trao cho quốc hội quyền lực đối với ngân sách liên bang và quốc hội có thể bác bỏ hoặc tiếp nhận đề xuất từ các hội đồng bên ngoài như Bộ Hiệu suất chính phủ.

Nhằm nỗ lực cho sự minh bạch, ông Musk viết trên mạng xã hội X rằng Bộ Hiệu suất chính phủ sẽ hành động dựa trên ý kiến của người dân.

“Bất cứ khi nào người dân nghĩ rằng chúng tôi đang cắt giảm điều gì đó quan trọng hoặc không cắt giảm điều gì đang gây thất thoát thì hãy cho chúng tôi biết” - ông Musk cho hay.

Ông Musk cũng đề cập việc tạo ra một danh sách chi tiêu "ngu ngốc", mà ông lưu ý là "cực kỳ thú vị".

Hôm 12-11, ông Ramaswamy cho biết Bộ Hiệu suất chính phủ sẽ "sớm bắt đầu thu thập thông tin” về sự lãng phí và cáo buộc gian lận của chính phủ.

Mỹ từng có tiền lệ về cơ quan hiệu suất?

Tháng 2-1982, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thông báo ông sẽ thành lập một nhóm các chuyên gia để đề xuất các cách thức loại bỏ tình trạng kém hiệu quả và lãng phí của chính phủ.

Tháng 6 năm đó, ông Reagan ban hành lệnh hành pháp thành lập một hội đồng được gọi là Ủy ban Grace do ông J Peter Grace - cựu Giám đốc điều hành WR Grace - lãnh đạo với khoảng 150 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã tình nguyện tham gia.

Ủy ban Grace đã công bố một báo cáo vào tháng 1-1984 với 2.500 khuyến nghị. Tuy nhiên Thư viện Reagan cho hay hầu hết các khuyến nghị, đặc biệt là những khuyến nghị yêu cầu quốc hội ban hành luật, đều chưa bao giờ được thực hiện.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm cải thiện hiệu quả, hiệu suất và trách nhiệm giải trình và "loại bỏ hoặc tổ chức lại các cơ quan liên bang không cần thiết". Ông Donald Trump đã không thành công trong việc xóa bỏ ít nhất 19 cơ quan trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới