Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO chỉ ra lý do không đưa quân tới Ukraine

(PLO)- Chủ tịch Uỷ ban quân sự NATO Rob Bauer dẫn ra một điều mà NATO nghi ngại ở Nga khiến khối này không đưa quân đến Ukraine. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đài RBC-Ukraine­ hôm 13-11, Chủ tịch Uỷ ban quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Đô đốc Rob Bauer mới đây có đưa ra phát ngôn về chuyện vì sao NATO không triển khai lính đến Ukraine khi Nga phát động chiến sự ở nước này năm 2022.

Nguyên nhân chính khiến NATO kiềm chế không tham gia chiến sự ở Ukraine là vì kho vũ khí hạt nhân của Nga, theo Đô đốc Bauer.

Cụ thể, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Quốc phòng Prague (Cộng hoà Czech) hồi tuần trước, ông Bauer nói: “Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nếu người Nga không có vũ khí hạt nhân, chúng tôi [lực lượng NATO] đã có mặt ở Ukraine từ lâu rồi để đánh đuổi họ [các lực lượng Nga]”.

NATO giải thích vì sao không tham gia chiến sự ở Ukraine.jpg
Chủ tịch Uỷ ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer. Ảnh: GETTY IMAGES

Tuy nhiên, ông Bauer không loại trừ kịch bản NATO sẽ tham gia vào chiến sự ở Ukraine trong tương lai. Ông cho rằng nếu trường hợp đó xảy ra, NATO “sẽ phải chịu rủi ro với tư cách là một liên minh”.

Trước những câu hỏi về việc tại sao NATO trì hoãn cung cấp vũ khí để Ukraine chống lại Nga ngay trong những ngày đầu chiến sự, ông Bauer cho rằng giới lãnh đạo của khối gặp “khó khăn” hơn những người ngoài cuộc vì phải cân nhắc các “hậu quả” của hành động đó.

Ông Bauer cũng nhấn mạnh rằng Ukraine có tầm quan trọng chiến lược đối với NATO và cho rằng vì lý do này Mỹ chắc chắn sẽ không chấp nhận thoả hiệp để Nga dễ dàng kết thúc chiến sự ở Ukraine theo ý mình.

Nga đã không ít lần nhắc đến kho vũ khí hạt nhân để cảnh báo các quốc gia phương Tây không nên vượt qua “lằn ranh đỏ” trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Điện Kremlin hồi tháng 9 đã đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân của nước này, cho phép Moscow tấn công hạt nhân để đáp trả không chỉ các cuộc tấn công mang tính sống còn với Nga của các cường quốc hạt nhân khác, mà cả “cuộc tấn công chung” của các quốc gia có vũ khí hạt nhân với các nước không có vũ khí hạt nhân.

Điều chỉnh này được cho là nhằm chuẩn bị trước cho kịch bản các quốc gia có vũ khí hạt nhân trong NATO là Mỹ, Anh, Pháp hỗ trợ Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa đạn đạo, vũ khí huỷ diệt hàng loạt hoặc nhắm vào các cơ sở quan trọng về quân sự và nhà nước của Nga, theo đài RT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm