Theo quy định của Thông tư số 08/2022 và Thông tư số 10/2022 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, hệ thống đấu thầu qua mạng mới sẽ chính thức vận hành từ ngày 1-8. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới do nhà đầu tư FIS, doanh nghiệp dự án IDNES (thuộc Tập đoàn FPT) xây dựng trên cơ sở hợp đồng BOT ký với Bộ KH&ĐT.
Theo Bộ KH&ĐT, đây là hợp đồng BOT đầu tiên về công nghệ thông tin tại Việt Nam, được bổ sung thêm nhiều phân hệ, chức năng, đồng thời có thêm các vai trò khác tham gia vào hệ thống so với hệ thống hiện tại.
Tuy nhiên, cuối tháng 7-2022, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư số 16/2022 ngưng hiệu lực Thông tư 08/2022 và Thông tư 10/2022 đến ngày 15-9.
Thông tin với PLO, ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho hay: “Hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia là hệ thống duy nhất quy định về việc đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và tổ chức đấu thầu qua mạng. Hệ thống cần phải bảo đảm tính ổn định, thông suốt trong vận hành, cũng như bảo đảm tính pháp lý của công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng”.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ KH&ĐT lùi thời gian vận hành chính thức hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia mới nhằm bảo đảm hệ thống mới được hoàn thiện ở mức cao nhất, phục vụ tốt nhất công tác đấu thầu. Từ đó, các nhà thầu, nhà đầu tư có thể tiếp cận một cách tốt nhất, minh bạch nhất, thông suốt nhất với các gói thầu mua sắm công.
Lãnh đạo Cục Quản lý Đấu thầu cũng chia sẻ, ngay từ ngày 1-8, Bộ KH&ĐT đã thông báo trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn việc tạm ngưng hiệu lực thi hành của hai Thông tư nêu trên.
Từ nay đến ngày 15-9, các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư tiếp tục thực hiện việc đăng tải thông tin và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại địa chỉ: http://muasamcong.mpi.gov.vn theo các quy định hiện hành.
Ông Hùng khẳng định: "Việc ngưng hiệu lực của các thông tư nói trên thuần túy là vấn đề kỹ thuật nhằm bảo đảm để hệ thống mới khi đưa vào vận hành được ổn định, thông suốt, không làm ảnh hưởng đến việc công khai thông tin và hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng. Các hoạt động này vẫn được triển khai bình thường trên hệ thống hiện tại”.
Trong thời gian ngưng hiệu lực của Thông tư 08/2022 và Thông tư 10/2022, các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định trước đây tiếp tục hiệu lực thi hành. Cụ thể:
+ Thông tư 01/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dịch vụ tư vấn.
+ Thông tư 03/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp.
+ Thông tư 05/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá.
+ Thông tư 14/2016 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn.
+ Thông tư 04/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.
+ Thông tư 05/2018 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
+ Thông tư 11/2019 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.
+ Thông tư 05/2020 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2017 quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.
+ Các Điều 7, 8, 9, 10 và 13 Thông tư 06/2020 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
+ Khoản 4 Điều 8 Thông tư 09/2021 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất.