Bộ LĐ-TB&XH: Hạn chế ngay tình trạng rút BHXH một lần

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu ngành bảo hiểm có biện pháp hạn chế mức thấp nhất tình trạng rút BHXH một lần.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tăng cường thực hiện biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và hưởng BHXH một lần.

Trong đó, Bộ này lưu ý ngành bảo hiểm bám sát các quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng tại quyết định 1676/2019, về phê duyệt đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc tham gia BHXH.

Nhân viên ngành bảo hiểm phải giải thích cho người đóng tầm quan trọng của việc tích lũy thời gian đóng để được hưởng lương hưu hàng tháng ổn định cuộc sống khi về già; tư vấn đầy đủ cho người lao động khi đến làm thủ tục hưởng BHXH một lần, cân nhắc ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi, tránh những thiệt hại bất lợi khi quyết định hưởng BHXH một lần.

Người lao động làm thủ tục rút BHXH một lần. Ảnh: V.LONG
Người lao động làm thủ tục rút BHXH một lần. Ảnh: V.LONG

Theo BHXH Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2023, số người rút BHXH một lần là 947.322 người, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia BHXH.

BHXH Việt Nam cũng ghi nhận đến ngày 31-10-2023, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 14.650 tỉ đồng, chiếm 3,05% số phải thu, giảm 0,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị không có khả năng thu hồi là 4.164 tỉ đồng.

Nguyên nhân được Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra là do những năm gần đây doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, dẫn tới khó khăn trong việc đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Cạnh đó là ý thức tuân thủ pháp luật của đơn vị sử dụng lao động chưa cao, thiếu quan tâm đến quyền lợi của người lao động.

Thêm vào đó là các quy định về chế tài xử lý hành vi nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ sức răn đe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm