ÔNG TRẦN MẠNH HÙNG, CHỦ TỊCH LĐBĐ TP HẢI PHÒNG VÀ CHỦ TỊCH CLB HẢI PHÒNG:

‘Bộ máy điều hành V-League có vấn đề!’

Chủ tịch LĐBĐ Hải Phòng kiêm Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng Trần Mạnh Hùng cho biết ông đã trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng và cả Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Võ Quốc Thắng về những vấn đề bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

. Phóng viên: Ban tổ chức và VPF chưa tổng kết giải nhưng là một đại diện cổ đông của VPF - một nhà điều hành CLB tham dự V-League, ông có thể đưa ra nhận xét?

+ Ông Trần Mạnh Hùng: Giải đấu trên danh nghĩa là do VPF điều hành nhưng bàn tay của VFF đã nhúng vào quá sâu, trong khi các CLB là những cổ đông chính vừa đổ tiền vào công ty, vừa tốn rất nhiều tiền đầu tư cho CLB để tham dự giải nhưng lại bị gạt ra ngoài.

. Ý ông muốn nói là vai trò của VPF bị vô hiệu hóa?

+ Đúng! VPF là một công ty cổ phần thì phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Công ty cổ phần. Đằng này nó như bị biến thành công ty TNHH nên hoạt động không đúng hướng.

. Ông có thể diễn giải một cách cụ thể hơn?

+ VPF thành lập để tổ chức giải là điều bắt buộc. Sự ra đời đấy theo xu hướng của thế giới và FIFA, AFC cũng ủng hộ để tách ra rành mạch phần quản lý thuộc VFF và phần điều hành thuộc VPF. Thế nhưng khi tách ra một thời gian thì VFF lại nhúng tay sâu trong điều hành cả về tổ chức lẫn nhân sự của VPF.

Tại Công ty Cổ phần VPF, VFF chỉ tham gia có 35% so với 65% cổ phần của các CLB, thế nhưng VFF đã lấn quyền và quyết tất cả.

Ông Trần Mạnh Hùng chỉ ra những bất hợp lý và bất cập trong điều hành của VPF và VFF. Ảnh: CTV

. Ông có thể nói đôi điều về vai trò của Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng?

+ Anh Thắng là người rất tốt và rất có trách nhiệm. Anh ấy có công cùng ông Phạm Ngọc Viễn đi kiếm tài trợ về cho giải nhưng những phần khác thì anh Thắng bị vô hiệu hóa rất nhiều.

. Trước cuộc trao đổi này, tôi thấy và nghe ông chia sẻ với ông Võ Quốc Thắng nhiều điều?

+ Tôi nói với anh Thắng là tôi hiểu phần khó của anh Thắng nhưng tôi không đồng ý với Công ty Cổ phần VPF do các CLB góp vốn đến 65% mà lại hoạt động lệch hướng, không hiệu quả.

Là một cổ đông của VPF, tôi không muốn VFF vươn tay vào VPF một cách sai luật và mất bình đẳng với các cổ đông như thế.

. Được biết ông cũng đã trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng?

+ Đúng thế! Tôi không muốn Tổng cục là cơ quan nhà nước lại bị mang tiếng khi đưa người của Tổng cục tham gia VFF rồi VPF mà không giúp được cho bóng đá Việt Nam phát triển. Tôi nói anh Vương Bích Thắng hãy rút người của Tổng cục về để khỏi liên lụy và mang tiếng xấu, nhất là sắp tới Đại hội Ban chấp hành VFF người ta mổ xẻ người của Tổng cục thì ít nhiều anh Thắng là tổng cục trưởng cũng sẽ liên lụy.

. Là ông chủ một CLB bóng đá, ông nhận xét gì về bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ở tuổi 15, đồng thời cũng vừa kết thúc mùa V-League 2015?

+ Tôi đi nhiều quốc gia và tìm hiểu về bóng đá chuyên nghiệp các nước và thấy ở ta mang tiếng là chuyên nghiệp nhưng chưa chuyên. Chưa chuyên từ khâu điều hành đến các CLB cũng thế. Cả nước chỉ có 1-2 CLB có thể tự chủ về kinh tế và nuôi đội bóng bằng tiền doanh nghiệp. Còn lại đều sống dựa vào kinh phí nhà nước có khi lên đến 70%. Gần đây tôi tìm hiểu một CLB chuyên nghiệp hạng thấp nhất ở Nhật thì biết họ sống hoàn toàn bằng tiền mình làm ra và một năm họ chi 39 triệu USD thì phần doanh thu của CLB là 43 triệu USD từ bản quyền truyền hình, bán vé, bán áo, bán sản phẩm…

. Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

. Với cương vị chủ tịch một CLB bóng đá, điều gì khiến ông lo nhất khi muốn phát triển bóng đá Việt Nam?

+ Đó là bộ máy điều hành ở VFF. VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện theo hướng tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thế nhưng ở VFF có thường trực mà không phải là thường trực quyết. Chỉ Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn tự bàn với nhau và tự quyết hết, các thành viên thường trực còn lại thì giống như chỉ được báo cho biết. Điều này rất nguy hiểm vì không tập hợp được tài năng và trí tuệ của những người có chuyên môn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới