Bộ Ngoại giao: Dừng Asiad 18, Việt Nam sẽ phải hầu Tòa tại Thụy Sỹ

Nguy cơ xuyên tạc về tình hình kinh tế

Hệ lụy về đối ngoại và xã hội được Bộ Ngoại giao thông tin rất cặn kẽ để Chính phủ xem xét cân nhắc nêu rõ “Việc Việt Nam trao trả lại quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18 vào thời điểm này là không quá muộn tuy nhiên sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới các vấn đề đối ngoại và hình ảnh quốc gia, đặc biệt là ảnh hưởng tới ngành thể thao Việt Nam và Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam. Ngoài ra cũng không loại trừ khả năng xuất hiện những thông tin xuyên tạc về tình hình kinh tế Việt Nam ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư nói riêng”.
Nước chủ nhà Việt Nam đã sẵn sàng cho một kỳ ASIAD thành công

Nước chủ nhà Việt Nam đã sẵn sàng cho một kỳ ASIAD thành công

Về hệ lụy pháp lý: Căn cứ điều kiện quy định của Hợp đồng, bên đăng cai không có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng. Nếu làm vậy, hệ quả pháp lý là bên ký kết phía Việt Nam (thành phố Hà Nội và Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam) sẽ phải ra Tòa Trọng tài tại Thụy Sĩ và sẽ phải chịu những hệ lụy như sau: (i) tốn kém về tài chính, (ii) mất uy tín, (iii) ảnh hưởng danh dự và hình ảnh quốc gia.

Giữ thể diện lời tuyên bố của Phó Thủ tướng với quốc tế

Ngày 20 tháng 9 năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam) đã tuyên bố với Ngài Sheikh Ahmad Al Fahad Al Sabah, Chủ tịch Hội đồng Olympic Châu Á rằng “Ủng hộ thành phố Hà Nội tham gia giành quyền tổ chức Đại hội; Đảm bảo miễn phí nhập cảnh cho các đoàn thể thao của tất cả các nước tham dự; và đảm bảo Đại hội sẽ được tổ chức phù hợp với các nguyên tắc, mục tiêu căn bản của Luật và Điều lệ của Hội đồng Olympic Châu Á”.

Việc đăng cai Asian Games là thực hiện đường lối của Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của cả Thành ủy Hà Nội, địa phương đăng cai chính. Việt Nam đã ký kết việc đăng cai Asian Games với Hội đồng Olympic châu Á (OCA). Bộ Ngoại giao cũng đã giải thích tính pháp lý của Hợp đồng đăng cai ASIAD 18, khi đăng cai tổ chức, phía Việt Nam đã phải nộp bản Giao kèo của Chính phủ, như vậy, về mặt pháp lý, Hợp đồng này đã được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh.

 

Đẩy nhanh tiến độ xem xét phê duyệt Đề án tổng thể

Từ kết quả Phiên giải trình, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ 4 vấn đề trong đó có việc:”Đẩy nhanh tiến độ xem xét phê duyệt Đề án tổng thể chuẩn bị tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019. Việc đầu tư các công trình thể thao phục vụ ASIAD 18 phải có trọng tâm, trọng điểm; chủ yếu tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có đáp ứng yêu cầu thi đấu của Đại hội, chỉ xây dựng mới một số công trình thật sự cần thiết, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước”. (Trích Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị Quốc hội và Chính phủ).

Theo Nguyễn Hoàng (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm