Việt Nam không xây mới nhiều công trình phục vụ Asiad 18

Asiad 18 dự kiến có 36 môn thi, với sự tham gia của khoảng 12.000 VĐV, quan chức đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua khảo sát của ngành thể thao, các công trình hiện nay của Việt Nam có thể đáp ứng được 80% công tác tổ chức Asiad 2019.

Sau khi phục vụ cho sự kiện SEA Games hay AIG 3, những công trình này hầu như rất ít được đưa vào sử dụng. Chính vì thế, tất cả bắt buộc phải có sự nâng cấp theo tiêu chuẩn của OCA. Theo báo cáo mới đây của Bộ VH, TT&DL, để phục vụ thi đấu được cần khoảng 2.600 tỉ đồng nâng cấp, sửa chữa.

Việt Nam sẽ nâng cấp các công trình cũ để chuẩn bị cho Asiad 18
Việt Nam sẽ nâng cấp các công trình cũ để chuẩn bị cho Asiad 18
.

Ngoài các công trình có sẵn, cần xây mới và nâgn cấp một số công trình như sân đua xe đạp lòng chảo, làng VĐV, nhà thi đấu đa năng, trường bắn súng, trường bắn đĩa bay, sân tập luyện và đua ngựa, Cụm sân tennis.

Ngân sách dự kiến chi hơn 1.000 tỷ đồng cho công trình Nhà thi đấu đa năng 7.000 chỗ ngồi ở Khu liên hợp Thể thao Quốc gia và trường bắn súng tại Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội; chi hơn 400 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có; chi gần 500 tỷ đồng mua sắm, thuê mướn trang thiết bị; cùng hơn 1.600 tỷ đồng phục vụ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội.

Trong số này, 2 công trình dự kiến sẽ gây tốn kém nhất là làng VĐV, sân đua xe đạp lòng chảo. Sân đua xe đạp lòng chảo với sức chứa dự kiến khoảng 10.000 chỗ ngồi. Công trình này sẽ tốn khoảng 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sân đua xe đạp lòng chảo sẽ được phía Hàn Quốc đầu tư, xây dựng theo mô hình tổ hợp kinh doanh gồm cả khách sạn, dịch vụ đi kèm. Trong khi đó, làng VĐV dự kiến xây ở Gia Lâm (Hà Nội) với đầu tư tối đa hơn 1.300 tỷ đồng, tối thiểu hơn 800 tỷ đồng. 2 phương án làng VĐV thay thế việc xây dựng mới là: Tận dụng các khách sạn tại Hà Nội, bố trí làm nơi ăn nghỉ cho quan chức, HLV, VĐV, trọng tài…của các quốc gia tham dự; Kết hợp giữa sử dụng khách sạn cùng một số khu ký túc xá sinh viên hiện đang xây dựng hoặc đã xây dựng.

Theo một quan chức Tổng cục TDTT, dù chưa có văn bản chính thức nhưng OCA hiện nghiêng về phương án Việt Nam có thể xây dựng 1 làng VĐV quy mô nhỏ, kết hợp sử dụng khách sạn để cho các đoàn nước ngoài ăn, nghỉ. Đó là cách vừa đảm bảo tinh thần tiết kiệm, vừa đủ cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn của Asiad.

Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết, Nguồn kinh phí chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2020, khoảng 30 tỷ USD. Trong quy hoạch chung của Thành phố, ngành thể thao cũng tận dụng được và sẽ làm giảm đáng kể chi phí. Nếu chúng ta khéo làm, khoản tiền 150 triệu USD còn thừa đủ để tổ chức.

Cũng theo ông Giang, làng VĐV sẽ được đấu thầu cho các doanh nghiệp. Khi hoàn tất Asiad 18 sẽ chuyển thành dạng căn hộ. Trong trường hợp OCA cho phép, Việt Nam sẽ sử dụng khách sạn thay cho làng VĐV để giảm chi phí. Đường đua xe đạp lòng chảo nhiều khả năng sẽ được đối tác Hàn Quốc hỗ trợ và chúng ta khéo làm, việc xây dựng đường đua xe đạp lòng chảo sẽ không tốn kém.

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên bỏ không xây sân đua xe đạp lòng chảo (đồng nghĩa với việc bỏ nội dung này khỏi chương trình thi đấu). Tuy nhiên, việc có bỏ xe đạp lòng chảo hay làng VĐV hay không Việt Nam sẽ phải xin ý kiến từ OCA và khả năng khó xảy ra bởi đây là một trong những môn cơ bản của Olympic.

Ngoài những công trình xây mới và được nâng cấp, ngành thể thao dự trù 47 triệu USD (tương đương 984,6 tỷ đồng) để đầu tư cho 850 VĐV, trong đó có 50 VĐV có khả năng đoạt huy chương. Riêng khoản tiền cho 50 VĐV này đi đào tạo nước ngoài là 634,2 tỷ đồng.

Theo Kim Anh - Lê Cường (Dân Trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm