Bổ nhiệm luật sư, giảng viên làm thẩm phán TAND Tối cao: Cần có những tiêu chí định lượng để áp dụng thống nhất

(PLO)- Những điều kiện bổ nhiệm định tính như dự thảo sẽ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, do đó cần các quy định mang tính định lượng, thể hiện sự công khai, minh bạch.

TAND Tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo 4 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Một trong những điểm mới của dự thảo là việc phân chia lại ngạch, bậc thẩm phán và quy định rõ ràng về việc bổ nhiệm người công tác ngoài tòa án làm thẩm phán TAND Tối cao.

Một quy định tiến bộ

Hiện nay, Luật Tổ chức TAND 2014 quy định thẩm phán được chia ra làm bốn ngạch là thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp. Trong khi đó, theo dự thảo mới thì thẩm phán chia ra hai ngạch là thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán. Trong đó, ngạch thẩm phán TAND Tối cao có ba bậc và ngạch thẩm phán có chín bậc.

Một điểm mới khá thú vị là dự thảo luật quy định cho phép luật sư (LS), giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và có uy tín cao trong xã hội được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao.

P7-anh-bai-thamphan-quy.jpg
Các thẩm phán làm việc trong một phiên xử tại TAND TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nếu như Luật Tổ chức TAND 2014 chỉ ghi nhận một cách khái quát khả năng bổ nhiệm những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật làm thẩm phán TAND Tối cao thì dự thảo đã liệt kê rõ ràng hơn về nhóm đối tượng này, bao gồm cả “LS, giảng viên đại học”.

Đối chiếu với quy định tại Luật LS, “giảng viên đại học công lập (viên chức) có trình độ cao về pháp luật không được làm LS” thì mới thấy hết sự tiến bộ, hợp lý trong quy định cho phép giảng viên đại học được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao. Điều này không chỉ tạo cơ sở gắn kết giữa đào tạo luật với thực hành pháp luật mà còn là minh chứng cho những cam kết rõ ràng của các cơ quan nhà nước trong việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội.

Nghiên cứu vấn đề “kỹ năng xét xử

Thực tế, pháp luật nội dung có tiến bộ thế nào cũng phải được hậu thuẫn bởi các quy định về pháp luật thủ tục. Điều này có nghĩa những quy phạm mang tính nguyên tắc cho phép giảng viên đại học, LS, nhà khoa học được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao trong dự thảo chỉ có thể trở thành hiện thực khi có các quy phạm cụ thể về điều kiện và thủ tục thực hiện.

Theo dự thảo, có hai nhóm đối tượng được bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao. Nhóm 1 là người có đủ tiêu chuẩn thẩm phán, có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên, đã là thẩm phán bậc 6 từ đủ ba năm trở lên... Tức điều kiện tiên quyết để bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao (với nhóm 1) là trước hết đã được bổ nhiệm ngạch thẩm phán.

Tuy nhiên, với nhóm 2 là những người công tác ngoài tòa án (giảng viên, LS, nhà khoa học… như đã nêu trên) thì không có ngạch thẩm phán.

Từ đây, vấn đề đặt ra là việc bổ nhiệm ngạch thẩm phán TAND Tối cao mà không trải qua ngạch thẩm phán có tạo ra những trở ngại trong việc thực hiện kỹ năng xét xử hay không? Có lẽ câu trả lời là có, bởi giảng viên đại học chú trọng đến các vấn đề học thuật. Trong khi đó, thẩm phán nói chung và thẩm phán TAND Tối cao nói riêng lại chú trọng đến kỹ năng thực hành luật pháp trong thực tiễn. Điều này cũng không có gì là khó hiểu bởi “trăm hay không bằng tay quen”... Khi không có sự tiếp xúc thường xuyên với các tình tiết phức tạp của vụ án, xa lạ với thủ tục tố tụng... thì các giảng viên đại học khó có thể giải quyết thuần thục các vụ án, ngay cả khi được thừa nhận là có năng lực xét xử.

Cần lưu ý là “năng lực xét xử” với “kỹ năng xét xử” là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Năng lực xét xử là khả năng nhìn nhận, đánh giá toàn diện các vấn đề trong một vụ án. Trong khi đó, kỹ năng xét xử lại thiên về yếu tố kỹ thuật. Thực tế cũng có không ít giảng viên đại học có trình độ cao nên được đánh giá là có năng lực xét xử. Tuy nhiên, do chưa từng cầm cân nảy mực, thực hành xét xử thực tế nên vấn đề có kỹ năng xét xử hay không lại là điều khác biệt.

Do đó, nội dung này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tạo ra các quy phạm hướng dẫn cụ thể để khi giảng viên đại học được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao thì có thể bắt tay vào thực hiện ngay nhiệm vụ mà không cần phải trải qua thời kỳ học việc.

Phát huy tối đa hiệu quả của việc áp dụng án lệ

Việc mở rộng đối tượng được xem xét bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao như dự thảo là thực hiện theo đúng các chính sách phát triển và chủ trương xây dựng, đổi mới pháp luật và có nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển như Mỹ, Anh, Nhật...

Với chức năng, nhiệm vụ quan trọng của TAND Tối cao, cơ cấu thẩm phán TAND Tối cao đòi hỏi phải có sự tham gia của những người có kinh nghiệm thực tế và có các kiến thức chuyên sâu về pháp luật để có thể xem xét các vấn đề từ phương diện học thuật cho đến thực tế.

Từ ngày Hiến pháp 2013 có hiệu lực, thực tiễn xét xử tại các cấp tòa án đã có xu hướng tập trung phát huy việc sử dụng án lệ. Do đó, việc có sự tham gia của những LS, giảng viên đại học và nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật sẽ giúp cho việc sử dụng án lệ trong thời gian sắp tới phát huy hiệu quả tối đa và giúp phát triển hệ thống tư pháp.

LS NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM

HỮU ĐĂNG ghi

Cần xây dựng tiêu chí công khai, minh bạch

Theo pháp luật hiện hành, tất cả thẩm phán (kể cả thẩm phán TAND Tối cao) đều là công chức. Trong tương lai, khi sửa đổi Luật Tổ chức TAND thì cho dù thay đổi cách phân chia ngạch bậc, thẩm phán các cấp vẫn sẽ là công chức.

Do đó, đối với giảng viên đại học, nhà khoa học, LS không phải là công chức thì việc bổ nhiệm ngạch thẩm phán TAND Tối cao sẽ được thực hiện như thế nào cũng cần có câu trả lời thấu đáo. Tuy Luật Tổ chức TAND 2014 quy định cho phép những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về pháp luật có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao nhưng thực tế từ năm 2015 đến nay, không có trường hợp nào được bổ nhiệm. Có lẽ thực trạng này đến từ những quy định về thủ tục trong việc bổ nhiệm ngạch công chức.

Ngoài ra, đối với những người công tác ngoài tòa án, điều kiện đủ để được bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao là phải có các tiêu chuẩn như “có trình độ cao về pháp luật”, “giữ chức vụ quan trọng”, “có uy tín cao trong xã hội”. Nhìn chung, đây là các tiêu chí định tính, điều này sẽ dẫn đến cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất.

“Có trình độ cao về pháp luật”, “giữ chức vụ quan trọng” là như thế nào cần được giải thích rõ ràng từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhất thiết phải xây dựng bộ tiêu chí định lượng để tạo sự thuận lợi trong áp dụng pháp luật bởi so với tiêu chí định tính, các tiêu chí định lượng mang tính công khai, minh bạch hơn.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn “có uy tín cao trong xã hội” cũng là vấn đề khó khăn trong việc xây dựng quy phạm giải thích. Tuy nhiên, nếu cố gắng vẫn có thể làm được. Có như vậy, việc tuyển chọn, bổ nhiệm những người không công tác tại các tòa án làm thẩm phán TAND Tối cao sẽ trở nên chính xác hơn, thuyết phục hơn.

Nhiều điều kiện cần làm rõ

P7-ANHBOX-THAMPHAN-QUY.jpg
Luật sư là một trong những đối tượng được mở rộng trong nguồn tuyển chọn thẩm phán TAND Tối cao. Ảnh minh họa: CTV

Vừa qua, LS-TS Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, đã ký Công văn 357 về việc góp ý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gửi TAND Tối cao.

Về quy định điều kiện bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao, Liên đoàn LS Việt Nam cho biết cơ quan này thống nhất cao với việc mở rộng nguồn bổ nhiệm chức danh thẩm phán TAND Tối cao từ những người không công tác tại tòa án các cấp, trong đó có LS.

Tuy nhiên, LS là chức danh tư pháp nhưng không phải công chức, viên chức nhà nước nên Liên đoàn LS đề nghị cần quy định cụ thể về các điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm như thế nào là “giữ chức vụ quan trọng” trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp? Thời gian hành nghề? Tiêu chuẩn về chính trị (có chứng nhận đã qua đào tạo cao cấp chính trị)? Cơ chế liên thông để bổ nhiệm từ người không phải là công chức sang chức danh thẩm phán TAND Tối cao?... NGUYỄN QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm