Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) ngày 11-7, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu đã trình thẩm tra báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm và cuối năm 2016.
Cảnh báo các dự án “khủng” chết dở
Báo cáo đã cảnh báo tình trạng một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, việc làm, nộp ngân sách, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản của Nhà nước. Đơn cử như dự án Nhà máy đạm Ninh Bình đầu tư 12.000 tỉ đồng nhưng bốn năm hoạt động, mỗi năm lỗ khoảng 2.000 tỉ đồng. Hay Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đầu tư 7.000 tỉ đồng đã phải tạm ngừng hoạt động...
Việc quản lý đầu tư, khai thác thu phí chưa minh bạch và mật độ trạm thu phí trên quốc lộ 1A quá dày đối với các dự án BOT gây bức xúc cho doanh nghiệp và người dân. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, riêng quốc lộ 1 có tới 37 trạm thu phí, bình quân 62 km có một trạm thu phí, mà các nhà đầu tư chủ yếu là chỉ định thầu, đây là vấn đề rất cần làm rõ. Ngoài ra, nợ công và nợ bảo lãnh Chính phủ tăng cao.
Theo nghị quyết của QH, năm 2016, GDP tăng 6,7%, kết quả thực hiện sáu tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước.
Với hàng loạt khó khăn, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2016 khả năng đạt mức tăng trưởng 6% là tốt, 6,3%-6,5% là rất tốt, còn đạt mục tiêu 6,7% như QH đề ra là “rất khó”.
Cần kiểm tra việc bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ
Cũng tại phiên làm việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đã đặt câu hỏi về vấn đề bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ. Bà Nga đề nghị cần phải kiểm tra làm rõ việc bổ nhiệm một số vị trí tại các bộ, ngành vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”.
Trong đó, bà Nga nêu đích danh việc bổ nhiệm ồ ạt tại Thanh tra Chính phủ (thời Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền) và Bộ Công Thương (thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) mà dư luận phản ánh lâu nay.
“Đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và một số cơ quan liên quan để kiểm tra: Tại sao cứ đến cuối nhiệm kỳ dư luận lại phản ánh là một số bộ bổ nhiệm cán bộ ào ạt? Việc kiểm tra này không hẳn là quá khó khăn, ai đủ điều kiện, ai không đủ điều kiện đều có thể biết. Vì vậy nên làm ra một cách rõ ràng để xác định có thực là có việc như vậy không, báo chí dư luận phản ánh có đúng không?” - bà Nga nêu vấn đề và đề nghị.
Tình hình biển Đông sẽ phức tạp hơn Tại phiên họp của Ủy ban TVQH ngày 11-7, khi nói về tình hình biển Đông, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhìn nhận: Phán quyết về vụ kiện của Philippines được đưa ra, nó sẽ tác động rất lớn. Phản ứng của các nước sẽ rất phức tạp, nhất là trên biển Đông kể cả vấn đề đối ngoại, kể cả vấn đề trên biển, trên đất liền. |