Hội nghị nhằm chuẩn bị cho phiên giải trình của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao vào tháng 3-2014. Tại hội nghị trên, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao của Tổng cục TDTT Việt Nam - Nguyễn Hồng Minh lên tiếng việc Chính phủ cần có sự phản biện và giám sát chặt chẽ quá trình chuẩn bị của thể thao Việt Nam khi đăng cai ASIAD 18 năm 2019 nhằm tránh lãng phí, tiêu cực. Ý kiến này trùng hợp với thành viên trong ngành thể thao đặt ra việc sân Mỹ Đình xây rất tốn kém để chuẩn bị cho SEA Games 22-2003 nhưng hơn 10 năm qua lại sử dụng với hiệu quả rất thấp cùng với việc sử dụng sai mục đích…
Đúng là lâu nay việc xây dựng các công trình thể thao của Việt Nam luôn ngốn vào nguồn kinh phí rất lớn với giá thành rất cao. Những công trình đấy nếu chỉ để phục vụ cái SEA Games hay Đại hội thể thao trong nhà châu Á rồi bỏ phí hoặc sử dụng không hiệu quả, lại phải nuôi thêm bộ máy rất lớn để bảo trì rõ ràng là sự lãng phí rất lớn.
Đã bao giờ ngành thể thao nói riêng và các cấp có trách nhiệm nói chung kiểm chứng lại sau mỗi đại hội, những công trình tiêu tốn rất nhiều tiền của được sử dụng tiếp theo ra sao và vào mục đích gì? Chẳng hạn, cung thi đấu điền kinh phục vụ Đại hội thể thao châu Á trong nhà rất tốn kém, sau đó bị sửa công năng và bỏ phí thấy rất xót xa.
Sắp tới sẽ là rất nhiều công trình phục vụ cho ASIAD 2019 nhưng liệu đã có những tính toán hậu ASIAD chưa hay lại vẫn để phí như khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình? Rồi tiếp theo là SEA Games 31-2021 liên quan đến hàng loạt công trình sẽ xây dựng mới tại TP.HCM…
Thể thao Việt Nam từng có trào lưu xây sân, xây nhà thi đấu mới để phục vụ các đại hội nhưng phần sử dụng lâu dài lại rất hay bị “quên lãng”. Rõ nhất là cứ đến các kỳ đại hội thể thao hay Hội khỏe Phù Đổng là nhiều địa phương được xây dựng để tổ chức nhưng sau khi đại hội qua đi thì bỏ phế. Điển hình như Đồng Tháp từng xây cả khu liên hiệp để tổ chức Hội khỏe Phù Đổng nhưng sau khi đại hội bế mạc thì nhiều cụm nhà thi đấu để trơ ra hoang tàn và xuống cấp trầm trọng không phục vụ cho thể thao đỉnh cao lẫn phong trào…
Hoặc như nhiều địa phương hay có phong trào xây sân bóng đá cho hoành tráng nhưng đến lúc có sân rồi thì đội bóng lại không được đầu tư để xuống hạng và bỏ phí công trình cả ngàn tỉ đồng.
Hy vọng từ hội nghị trên và từ những chia sẻ của những người xót xa với các công trình tiêu tốn rất nhiều nhưng lại bị lãng phí, thể thao Việt Nam biết chắt chiu hơn với những “mùa đại hội”...
NGUYỄN NGUYÊN