Bỏ sự phân ngạch thẩm phán: Nhiều cái lợi

(PLO)- Có thể chọn được những thẩm phán giỏi để giải quyết các vụ án phù hợp vì không vướng ngạch bậc, còn người dân được hưởng những phán quyết công bằng, thấu tình đạt lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi đã đề xuất “Thẩm phán chỉ gồm hai ngạch là ngạch thẩm phán TAND Tối cao và ngạch thẩm phán”. TAND TP.HCM cũng thống nhất với đề xuất này, thay vì bốn ngạch thẩm phán TAND Tối cao, cao cấp, trung cấp và sơ cấp như hiện nay.

Dễ phân công điều động nhân sự phù hợp các loại án

Trao đổi với PV, nhiều thẩm phán đang công tác tại TP.HCM cho biết trước mắt có thể thấy việc bỏ sự phân ngạch thẩm phán mang lại nhiều cái lợi như tiết kiệm chi phí tổ chức kỳ thi nâng ngạch, có thể chọn được những thẩm phán giỏi để giải quyết các vụ án phù hợp vì không vướng ngạch bậc và người dân được hưởng những phán quyết công bằng, thấu tình đạt lý.

Nâng cao vị thế, uy tín của thẩm phán trước nhân dân

Tại buổi làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chiều 5-7, TAND TP.HCM thống nhất với đề xuất quy định lại số ngạch thẩm phán.

Theo TAND TP.HCM, quy định chỉ còn hai ngạch là ngạch thẩm phán TAND Tối cao và ngạch thẩm phán sẽ khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn luân chuyển, điều động thẩm phán. Qua đó, nâng cao vị thế, uy tín của thẩm phán trước nhân dân.

Việc đề xuất thẩm phán chỉ gồm hai ngạch không phải là cái mới, mà từ cái mới quay trở về cái cũ. Từ Luật Tổ chức TAND năm 1960 đến các lần sửa đổi sau đó đều không chia thẩm phán thành các ngạch thẩm phán. Các thẩm phán không thi chuyển cấp. TAND cấp tỉnh có thể điều động thẩm phán ở TAND cấp huyện lên làm việc, TAND Tối cao có quyền điều động thẩm phán TAND cấp tỉnh lên làm việc.

Tuy nhiên, đến Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì có bốn ngạch thẩm phán: Thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp. Các thẩm phán muốn nâng ngạch thì phải tham gia kỳ thi nâng ngạch thẩm phán.

Hiện nay, lượng án tại TP.HCM rất lớn, TAND TP.HCM muốn điều động các thẩm phán có năng lực từ các tòa quận, huyện về giải quyết án nhưng vướng quy định về ngạch.

Theo quy định hiện hành thì một thẩm phán sơ cấp muốn được đi thi nâng ngạch thì phải đạt nhiều điều kiện năm năm làm thẩm phán sơ cấp cùng các chỉ tiêu như chiến sĩ thi đua, tỉ lệ án hủy sửa không vượt mức cho phép… Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều thẩm phán giỏi nhưng không đạt chỉ tiêu thì không đủ điều kiện để đi thi. Hoặc những thẩm phán giỏi chuyên giải quyết án khó nhưng án khó rất dễ vướng hủy sửa, dẫn đến không đủ điều kiện để thi lên thẩm phán trung cấp.

Việc bỏ sự phân ngạch thẩm phán cũng giúp Nhà nước tiết kiệm chi phí khi không phải tổ chức các kỳ thi nâng ngạch thẩm phán.

Bản án nào cũng được thẩm phán nhân danh Nhà nước mà tuyên án. Ảnh: TRẦN LINH

Bản án nào cũng được thẩm phán nhân danh Nhà nước mà tuyên án. Ảnh: TRẦN LINH

Án nào cũng được tuyên nhân danh Nhà nước

TS - Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, đánh giá đã là thẩm phán thì phải có bản lĩnh vững vàng, có năng lực làm công tác xét xử theo quy định của pháp luật, độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Từ đó, đặt ra yêu cầu TAND Tối cao phải nâng cao trình độ chuyên môn đồng đều của thẩm phán tất cả cấp tòa.

Không thể đánh giá bản án sơ thẩm thấp hơn bản án phúc thẩm, bởi bản án đều được thẩm phán nhân danh Nhà nước mà tuyên án. Người dân cũng nhờ đó mà được hưởng lợi vì án hạn chế bị hủy sửa, họ không phải đi hết cấp này đến cấp kia, mòn mỏi chờ kết quả.

Bên cạnh đó, với số lượng án có nơi nhiều, nơi ít… nếu thẩm phán cấp nào cũng đáp ứng các yêu cầu nghề nghiệp như nhau sẽ thuận lợi trong việc điều động để kịp thời giải quyết án. Nếu phân biệt các ngạch thẩm phán cao thấp như hiện nay thì dễ dẫn đến việc người dân sẽ nghĩ thẩm phán xét xử sơ thẩm không có chuyên môn cao bằng các thẩm phán xét xử phúc thẩm.

Khi đã bỏ phân ngạch rồi, đối với các vụ án ở tòa tỉnh có tính chất phức tạp, khung hình phạt chung thân, tử hình, số tiền thiệt hại lớn… thì việc điều động, luân chuyển thẩm phán cần phải đảm bảo về trình độ chuyên môn. Ủy ban thẩm phán gồm chánh án, phó chánh án, chánh tòa và trưởng phòng kiểm tra nghiệp vụ… làm công tác giám đốc thẩm, xét xử phúc thẩm sẽ biết được thẩm phán nào xét xử án bị hủy sửa nhiều hay không, có khiếu nại hay không… từ đó đưa ra quyết định điều động phù hợp.

Theo TS - Luật sư Kim Vinh, về mặt quản lý, TAND Tối cao phải xây dựng chuẩn bổ nhiệm chặt chẽ nhằm tạo điều kiện cho nhân sự giỏi, trình độ cao, đạo đức tốt, yêu công bằng lẽ phải được vào hàng ngũ những người cầm cán cân công lý, để đảm bảo sự công bằng mà người dân có quyền thụ hưởng.

Để được thi nâng ngạch còn phụ thuộc nhiều yếu tố

Một thẩm phán sơ cấp muốn được đi thi nâng ngạch thì phải đạt nhiều điều kiện năm năm làm thẩm phán sơ cấp cùng các chỉ tiêu như chiến sĩ thi đua, tỉ lệ án hủy sửa không vượt mức cho phép… Nhiều thẩm phán giỏi nhưng không đạt chỉ tiêu thì không đủ điều kiện để đi thi.

Giả sử một thẩm phán giải quyết vụ án phá sản tốn công, mất thời gian nhưng cũng chỉ tính giải quyết được một vụ án như giải quyết vụ án thuận tình ly hôn. Dẫn đến thẩm phán làm vụ án phá sản không có được số liệu giải quyết án tốt vì phải tốn thời gian lâu mới giải quyết xong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm