Hà Nội có 39/919 tòa có tranh chấp, chiếm tỉ lệ 4,2%. TP.HCM có 15/867 tòa có tranh chấp, chiếm tỉ lệ 1,7%.
Mới đây, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý kinh phí bảo trì nhà chung cư hiện nay. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ đang nghiên cứu, lấy ý kiến về các giải pháp và đề nghị bổ sung hai mô hình quản lý mới.
Theo đó, trong các hội nghị nhà chung cư, cư dân sẽ lựa chọn ra mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của chung cư mình.
Thứ nhất là mô hình chủ đầu tư quản lý, vận hành nhà chung cư. Theo mô hình này, chủ đầu tư là đơn vị thu, quản lý kinh phí bảo trì và trực tiếp quản lý, vận hành nhà chung cư. Mô hình này phù hợp với các tòa nhà chung cư có chủ đầu tư là các đơn vị chuyên nghiệp, có năng lực quản lý, vận hành.
Cư dân họp cùng chủ đầu tư một dự án về vấn đề quản lý chung cư. Ảnh: Q.HUY
Thứ hai là mô hình các doanh nghiệp quản lý, vận hành chung cư chuyên nghiệp sẽ thực hiện việc quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư. Đây là mô hình đang được áp dụng ở nhiều nước.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng mức thu 2% ở một số chung cư không hề nhỏ, các tranh chấp thường xảy ra ở những nơi có số thu lớn. Do vậy cần kiểm soát chặt chẽ để chống lạm dụng tiêu cực. Các quy định pháp luật đều đã rõ, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả.
Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh/TP trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư. Đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.