Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng vừa ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết 74/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đáng chú ý, Chính phủ cho hay đến cuối năm 2021, nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách Trung ương chưa sử dụng khoảng hơn 54.500 tỉ đồng, trong đó, các bộ ngành chưa dùng gần 82 tỉ. Các địa phương cũng dư tiền dành cho cải cách tiền lương gần 208.500 tỉ đồng. Như vậy, đến cuối 2021, ngân sách dư gần 263.000 tỉ đồng cho cải cách tiền lương nhưng chưa thực hiện.
Số tiền dư tới cuối 2022, Bộ trưởng Tài chính cho hay đang đốc thúc các đơn vị báo cáo, sẽ trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Hiện việc quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương được quy định tại Nghị quyết 27 của Trung ương, Nghị quyết 23 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công năm năm 2021-2025.
Theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính sẽ rà soát, thống kê và báo cáo Quốc hội đầy đủ nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương tại thời điểm 31-12-2022.
“Bộ cũng sẽ đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí” - ông Phớc cho biết.
Vẫn theo Bộ trưởng Tài chính, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện mục tiêu của các kế hoạch năm năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế- xã hội, tài chính, vay, trả nợ công và đầu tư công trung hạn.
Theo đó, mục tiêu cho công tác xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước ba năm (2024-2026) là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm.
Công tác xây dựng dự toán ngân sách này cũng phải đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Trung ương.
“Bộ Tài chính đang xây dựng khung ngân sách Nhà nước 2024, kế hoạch ngân sách ba năm 2024- 2026, trong đó đề xuất lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27”- ông Phớc nói cho hay trên cơ sở đó sẽ dự kiến việc sử dụng nguồn này để thực hiện cải cách tiền lương. Bộ Tài chính sẽ báo cáo khi trình cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương.
Trước đó, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại kỳ họp thứ 6, dự kiến diễn ra tháng 10.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 9-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện và báo cáo Chính phủ phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương.
Bộ Nội vụ sớm tổ chức sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết 27 Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Hiện lương tháng cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức là 1,8 triệu đồng (mức lương này tăng từ 1-7-2023). Lương tháng tối thiểu dành cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở vùng I là 4,68 triệu đồng; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu. Mức này đã tăng 6% so với trước 1-7-2022.