Những ngày này, niềm vui lớn nhất đối với không chỉ ngành giáo dục mà còn với toàn thể xã hội là việc học sinh (HS) nhiều nơi đã và đang đi học trở lại.
Nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về niềm vui lớn này và những nhiệm vụ cụ thể mà ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện trong năm 2022.
. Phóng viên: Tôi tin là Bộ trưởng, những người làm trong ngành giáo dục, HS, sinh viên, phụ huynh và toàn xã hội đều vui mừng khi quyết định mở cửa trường học được triển khai thực hiện trong mấy ngày qua...
+ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đó là mong mỏi của cả xã hội. Tuy vậy, quyết định mở cửa trường học phải được đặt trong bối cảnh vận hành của cả hệ thống và làm tốt yêu cầu bảo đảm an toàn, sức khỏe cho mọi người, nhất là trẻ em, HS, sinh viên…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị các điều kiện để mở cửa trường học trở lại, trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế về đánh giá kết quả phòng chống dịch đến thời điểm hiện tại; để bảo đảm sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ mầm non, HS, học viên, sinh viên, cán bộ, nhà giáo và chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương căn cứ tình hình dịch tại địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho HS, sinh viên trước ngày 14-2.
. Việc mở cửa trường học trở lại được kỳ vọng sẽ khắc phục được những tác động không mong muốn đối với HS, sinh viên, thưa Bộ trưởng?
+ Đúng vậy! Đến nay, chúng ta đã có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa HS trở lại trường học.
Mấy hôm nay, nhìn thấy HS đến trường, tôi rất vui mừng. Việc HS được trở lại trường học không chỉ là tín hiệu tích cực cho ngành giáo dục mà còn truyền đi những thông điệp về sự phục hồi của xã hội, của đất nước.
Mặt khác, đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.
. Thưa Bộ trưởng, việc mở cửa trường học mang lại niềm vui cho xã hội nhưng cũng còn một số ý kiến lo ngại hay một số cách thức triển khai như “đến trường nhưng không cho HS gặp nhau”.
+ Khi đã có một thời gian dài không học trực tiếp và nguy cơ dịch bệnh vẫn còn thì tâm lý và cách ứng xử ấy cũng là dễ hiểu.
Tuy vậy, tôi phải khẳng định rằng: Bộ GD&ĐT đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế bớt các rủi ro và đảm bảo sự an toàn nhất có thể đối với HS khi quay lại trường.
Đối với địa phương, việc chuẩn bị trường lớp, các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh phòng dịch, các phương án, kịch bản dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh cũng như chuẩn bị theo yêu cầu của ngành y tế có vai trò đặc biệt quan trọng.
Bên cạnh đó, đối với việc đảm bảo cho HS từ lúc ở nhà, đến trường và thời gian ở trường thì sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong theo dõi sức khỏe, hỗ trợ cho HS là những nhân tố hết sức quan trọng để tránh được rủi ro và đảm bảo an toàn cho HS khi đến trường.
Mới đây nhất, ngày 8-2, Bộ GD&ĐT đã gửi Công điện 136 cho giám đốc các sở GD&ĐT lưu ý bảy vấn đề nhằm bảo đảm an toàn cho HS khi trở lại trường.
Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao và ứng xử linh hoạt với các tình huống phát sinh để bảo đảm HS trở lại trường được an toàn nhất.
. Có thể thời gian học trực tuyến dài khiến việc bù đắp kiến thức cho HS, sinh viên là yêu cầu cấp thiết, thưa Bộ trưởng?
+ Không chỉ cấp thiết mà còn là vấn đề dài hạn. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho HS sau khi các em được trở lại học trực tiếp, trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm HS cụ thể để lên kế hoạch dạy bù phù hợp.
Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, các trường cũng cần nhận diện được những vấn đề tâm lý của HS để có tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong đại dịch COVID-19 và sau khi quay lại trường học.
. Trong năm 2022, theo Bộ trưởng, ngành giáo dục tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để vừa thích ứng, vừa khắc phục được những tác động mà dịch COVID-19 gây ra trong thời gian qua?
+ Có nhiều nhiệm vụ được chúng tôi xác định theo chỉ đạo của trung ương, Quốc hội, Chính phủ và yêu cầu từ thực tiễn, mong mỏi của nhân dân.
Trong ngắn hạn là việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Sẽ tập trung tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng năm 2022, đảm bảo ổn định, phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới giáo dục ĐH.
Bộ cũng triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện khung chiến lược phát triển giáo dục ĐH; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch mạng lưới các trường chuyên biệt.
Ngành cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tự chủ ĐH; tăng cường giải pháp phát triển khoa học, công nghệ; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH. Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến.
. Thưa Bộ trưởng, việc thực thi pháp luật, cải cách thể chế trong lĩnh vực giáo dục sẽ được Bộ trưởng và ngành quan tâm ra sao?
+ Trong tinh thần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN thì Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong GD&ĐT.
Bộ cũng sẽ chú trọng công tác xây dựng pháp luật, cải cách thể chế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, bộ sẽ tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời; rà soát để kiến nghị sửa đổi Luật Giáo dục ĐH.
Và quan trọng nhất, ngành giáo dục cũng sẽ quan tâm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập cho các đối tượng yếu thế. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho HS, sinh viên.
. Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng.