Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Thúc đẩy nền tài chính vững mạnh, nhân văn

Trò chuyện đầu xuân với các bộ trưởng - Bài 2

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Thúc đẩy nền tài chính vững mạnh, nhân văn

(PLO)- “Miễn, giảm, giãn, hoãn, vượt chỉ tiêu…” là những từ khóa quan trọng của ngành tài chính năm 2021.

“Miễn, giảm, giãn, hoãn, vượt chỉ tiêu…” là những từ khóa quan trọng của ngành tài chính năm 2021. Đó cũng chính là cơ sở để bước vào năm 2022, ngành tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Trao đổi đầu xuân Nhâm Dần 2022 với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói: “Đất nước trong những năm qua gặp những khó khăn chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh ấy, ngành tài chính đã thực hiện hiệu quả các định hướng của trung ương, các quyết sách của Quốc hội (QH) và các chỉ đạo của Chính phủ để bảo đảm tốt nguồn lực cho đất nước vượt qua khó khăn”.

. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, nếu nhìn về năm 2021 đã qua với vô vàn khó khăn, nhất là từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư xảy ra thì ông ấn tượng với điều gì nhất trong điều hành ngân sách?

+ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Khó có thể kể hết được những ấn tượng của tôi đối với đất nước và nhiệm vụ điều hành ngân sách của Chính phủ và Bộ Tài chính trong năm 2021, năm đầu tiên tôi được QH phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ Tài chính.

Nếu phải chọn một sự kiện tài chính thể hiện tính nhân văn thì tôi chọn việc ra đời của Quỹ vaccine phòng COVID-19. Và khi Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài chính năm 2022 cũng kể chuyện này.

Tôi vẫn nhớ khoảng 22 giờ ngày 18-5-2021, Thủ tướng gọi điện thoại cho tôi trao đổi về việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Ngay 8 giờ ngày 19-5-2021, Bộ Tài chính đã có hồ sơ thành lập quỹ đặt trên bàn Thủ tướng gồm tờ trình, dự thảo quyết định thành lập, dự thảo thông tư quản lý quỹ.

. Hoàn cảnh lúc đó như thế nào mà Thủ tướng, Chính phủ và Bộ Tài chính đi đến thống nhất thành lập quỹ này, thưa Bộ trưởng?

+ Ngân sách lúc đó eo hẹp mà việc mua vaccine để tiêm cho nhân dân nhằm tạo cơ sở để tiến tới trạng thái bình thường mới, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế là yêu cầu cấp bách. Việc huy động sức dân lúc đó được xác định là một trong những yếu tố quan trọng, phụ giúp ngân sách mua 150 triệu liều vaccine tiêm miễn phí, thần tốc cho nhân dân.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 thể hiện sinh động trách nhiệm, lòng yêu nước của nhân dân, lòng nhân ái, đoàn kết của dân tộc, sự linh hoạt của Bộ Tài chính như Thủ tướng khẳng định.

Đến nay, quỹ vaccine đã nhận được sự ủng hộ của trên 590.000 tổ chức, cá nhân với số tiền lên tới hơn 8.800 tỉ đồng. Quỹ được sử dụng một cách công khai, minh bạch và cập nhật thường xuyên.

. Khi được QH phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ Tài chính, ông đã nêu nhiều định hướng quan trọng trong điều hành ngân sách. Vậy nền tảng của các định hướng ấy là gì, thưa ông?

+ Đó là lúc QH kiện toàn bộ máy Chính phủ sau Đại hội XIII. Thực tế là dù có quyết sách gì về điều hành ngân sách nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung thì đều phải lấy những định hướng mà Đại hội XIII đã đưa ra làm cơ sở.

Đến kỳ họp thứ nhất QH khóa XV thì những mục tiêu về kế hoạch tài chính quốc gia cho cả nhiệm kỳ mới được quyết đáp. Bộ Tài chính trước đó đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công năm năm giai đoạn 2016-2020; định hướng kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công năm năm giai đoạn 2021-2025, trình QH thông qua tại Nghị quyết 23 vào tháng 7-2021.

Mục tiêu bao trùm trong nghị quyết này là huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả tổng thể các nguồn lực bên trong và bên ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời quản lý chặt chẽ nợ công, giữ vững an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN); hệ thống các mục tiêu cụ thể về tổng thu, cơ cấu thu; tổng chi, cơ cấu chi; mức bội chi ngân sách; tổng mức huy động, hạn mức bảo lãnh, trần và ngưỡng an toàn nợ công…

. Những mục tiêu đó đã được thực hiện thế nào trong năm 2021, thưa ông?

+ Phải nói rằng đợt COVID-19 bùng phát lần thứ tư từ cuối tháng 4-2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế - xã hội, tạo sức ép rất lớn đến cân đối thu chi NSNN. Thu NSNN giảm do kinh tế khó khăn và thực hiện các chính sách ưu đãi miễn, giảm trong khi nhu cầu tăng chi lại rất lớn. Tuy nhiên cũng vì vậy mà nhiều quyết sách quan trọng đã được thực thi hoặc đệ trình các cấp có thẩm quyền quyết định.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế.

Kết quả thực hiện thu NSNN năm 2021 đạt trên 1,563 triệu tỉ đồng, vượt 3,7% so với năm 2020. Trong đó, riêng thuế, phí (trừ tiền sử dụng đất và xổ số) vượt 11,4% so với thực thu năm 2020. Kết quả này đã góp phần bảo đảm các nhiệm vụ theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh về phòng chống dịch, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch, bảo đảm an sinh xã hội.

. Năm vừa qua dường như “giảm, cắt giảm, miễn, giãn, hoãn…” là những từ khóa quan trọng trong công tác điều hành ngân sách. Và như ở trên Bộ trưởng nói nhiều về thu NSNN, tuy nhiên với những từ khóa này thì lại gắn với chi NSNN nhiều hơn?

+ Đó là việc Chính phủ và Bộ Tài chính chủ động ưu tiên cân đối nguồn cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, tham mưu cho Chính phủ trình QH yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương (NSTƯ) và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Các địa phương chủ động sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn lực hợp pháp khác (gồm tiền lương còn dư) để chi phòng chống dịch COVID-19, trình Ủy ban Thường vụ QH bố trí 12,1 ngàn tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi NSTƯ năm 2020 để mua vaccine; bổ sung 14,62 ngàn tỉ đồng tiết kiệm chi thường xuyên của NSTƯ vào dự phòng NSTƯ để chi cho phòng chống dịch.

Có thể nói, nhờ các giải pháp quyết liệt, đồng bộ nên các chỉ tiêu về bội chi, nợ công, nợ Chính phủ đều trong phạm vi QH quyết định.

. Đấy mới chỉ là về nguồn lực cho phòng chống dịch. Vậy Bộ trưởng có thể thông tin thêm về các quyết sách khác về thuế, phí nhằm hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ?

+ Các quyết sách này thực sự có kế thừa từ QH, Chính phủ nhiệm kỳ trước. Trong năm 2021, các quyết sách ấy còn được mở rộng và có hiệu quả lớn hơn.

Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã tiếp tục được triển khai ở mức cao hơn với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 144.000 tỉ đồng. Trong đó, một số giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra.

Chẳng hạn như miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; miễn tiền chậm nộp thuế…

Có thể khẳng định rằng các chính sách miễn, giảm thuế, phí vừa thể hiện tính nhân văn vừa thực hiện chiến lược nuôi dưỡng nguồn thu mà Đảng, QH, Chính phủ luôn quán triệt.

Tôi được biết nhiều cộng đồng DN, người dân rất trông chờ và vui mừng đón nhận những quyết sách này. Đặc biệt, việc “hồi tố” miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng cho các hàng hóa nhập khẩu để tài trợ cho phòng chống dịch COVID-19 còn làm cho các DN, mạnh thường quân rất cảm kích.

Bởi các DN, mạnh thường quân cảm nhận được sự chia sẻ và tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Qua đó, các DN cũng đóng góp tích cực, hiệu quả vào tiến trình “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” như tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ đã đề ra.

. Ở trên Bộ trưởng nói rằng: “Kết quả thực hiện thu NSNN năm 2021 vượt 3,7% so với năm 2020” và cũng có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Vậy quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?

+ Tôi cho đó là một thành công ngoài mong đợi nếu chúng ta nhìn vào diễn biến kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều chỉ tiêu không đạt được nhưng thu NSNN vượt dự toán không có gì là mâu thuẫn.

Bởi đó là kết quả của nhiều giải pháp. Chẳng hạn ngành thuế bước đầu triển khai hóa đơn điện tử cũng như tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử có đóng góp quan trọng. Riêng tổng thu NSNN do ngành thuế quản lý hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỉ đồng.

Rồi ngành hải quan thông qua các giải pháp hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại đã đạt kết quả thu ngân sách trên 370.000 tỉ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Tài chính cũng đề nghị các tỉnh, thành phối hợp và yêu cầu Tổng cục Thuế triển khai các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Trong đó, chúng tôi yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan nhà nước liên quan hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, DN kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định.

Các trường hợp chuyển nhượng bất động sản giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, sẽ bị xử lý theo quy định.

Tôi biết cũng có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khi chúng ta kiến tạo chính sách đề cao sự minh bạch, trung thực, nhất là trong lĩnh vực tài chính thì cũng chính là lúc chúng ta hoàn thiện một nền tài chính minh bạch, chính trực dựa trên sự trung thực, chính trực của mọi tổ chức, công dân. 

. Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng.

Đọc thêm