Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM trước thềm xuân Nhâm Dần rằng: “Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe, đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và người dân. Tuy nhiên, đất nước ta đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay”.
Những thành quả quan trọng
. Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, những khó khăn chưa có tiền lệ mà đất nước ta phải đối mặt trong năm 2021 là gì?
+ Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Trước hết, phải nhấn mạnh năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt. Đây là năm đầu chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giai đoạn 2021-2030 và các kế hoạch năm năm 2021-2025.
Tuy nhiên, chúng ta thực hiện các kế hoạch đó khi kinh tế thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính - tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, áp lực lạm phát gia tăng. Trong nước, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư với diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt, biến thể Delta nguy hiểm hơn, xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất… buộc chúng ta phải áp dụng những biện pháp phòng chống dịch chưa có tiền lệ. Khi dịch bắt đầu bùng phát, vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch rất thiếu, hầu hết phải nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, tăng trưởng, phát triển KTXH, bào mòn sức chống chịu của DN và người dân.
Những khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện kế hoạch phát triển KTXH của cả năm 2021, thể hiện ở mức giảm GDP 6,02% trong quý III-2021 so với mức tăng 6,73% trong quý II.
. Xin Phó Thủ tướng cho biết những kết quả nổi bật mà đất nước ta đạt được trong bối cảnh khó khăn ấy?
+ Dù đối mặt với nhiều khó khăn, chúng ta vẫn đạt được những kết quả quan trọng, tạo nền tảng cho việc phục hồi và phát triển bền vững, phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển KTXH của giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII. Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19. Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 cho phép thực hiện một số biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP và nhiều văn bản khác để xử lý ngay những vấn đề đặt ra trong phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh COVID-19.
Chúng ta đã xây dựng, thúc đẩy chiến lược ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng chống dịch COVID-19, tích cực nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương triệt để tiết kiệm chi để bố trí nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Đến nay từ một nước có tỉ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã nằm trong nhóm sáu nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất thế giới và đang đặt mua vaccine tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong có chiều hướng giảm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Bức tranh tích cực của nền kinh tế
. Điều đó đã tác động thế nào đến kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, thưa ông?
+ Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84%; các cân đối lớn được bảo đảm. Mặc dù GDP giảm 6,02% trong quý III nhưng sang quý IV tăng mạnh, đạt 5,22%, giúp tăng trưởng cả năm đạt 2,58%.
Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỉ, vượt 16,4% dự toán, bảo đảm được nguồn lực cho các nhiệm vụ chi, nhất là cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và các nhiệm vụ cấp bách khác. Bội chi ngân sách nhà nước cả năm ước tính dưới 4%, thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định (4% GDP). Nợ công, nợ Chính phủ được kiểm soát tốt.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Mặt bằng lãi suất giảm; tỉ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tính đạt 34,4% GDP. Thị trường chứng khoán phát triển nhanh, quy mô vốn hóa tăng 46% so với cuối năm 2020 và tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thu hút đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng cao (9,2%), đặc biệt vốn tăng thêm tăng mạnh trên 40%, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm lương thực cho gần 100 triệu dân mà còn là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (chỉ đứng sau Ấn Độ).
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế; an ninh năng lượng được bảo đảm. Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực trong quý IV, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 28,1% so với quý trước.
Một năm đầy nỗ lực
. Trong dịch bệnh thì người dân và DN đều gặp khó khăn. Chính phủ đã đồng hành với họ như thế nào?
+ Chính phủ đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã triển khai hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP và Nghị quyết 116/NQ-CP, dành gần 71.500 tỉ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo.
Sau khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, việc chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; được nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế trong quý IV-2021 và năm 2022.
Văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng, ngoại giao tiếp tục được chú trọng. Các hoạt động văn hóa, xã hội, thể dục thể thao được tổ chức phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp THPT; khai giảng năm học mới, dạy và học trực tiếp, trực tuyến linh hoạt, phù hợp; triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả, nhất là ngoại giao vaccine, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển và tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
. Theo Phó Thủ tướng, những kết quả đáng kể nói trên mà đất nước ta đạt được trong năm qua đến từ đâu?
+ Có được những kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Đảng; sự đồng hành ủng hộ và giám sát của Quốc hội; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, chúng ta có sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng DN và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch bệnh; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, khát vọng vươn lên, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc; củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân; khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
Tin tưởng năm mới vươn lên
. Xin Phó Thủ tướng cho biết những thuận lợi và khó khăn mà Việt Nam sẽ phải vượt qua trong năm 2022?
+ Đại dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn với các biến chủng mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo không đồng đều, chưa vững chắc, có thể thấp hơn năm 2021; áp lực lạm phát, rủi ro bất ổn thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.
Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó với dịch bệnh tiếp tục được nâng lên. Sự chuyển hướng đúng, kịp thời sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” đã góp phần giữ ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, củng cố khả năng phục hồi của nền kinh tế nhưng sức chống chịu của DN, người dân giảm sút; nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng còn tiềm ẩn; thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường…
. Chính phủ sẽ làm gì để hiện thực hóa được mục tiêu tăng trưởng GDP 6%-6,5% trong năm 2022, thưa Phó Thủ tướng?
+ Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6%-6,5%, Chính phủ xác định chủ đề của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” với sáu trọng tâm chỉ đạo, điều hành.
Tôi tin tưởng với bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần vượt khó, yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, đất nước ta sẽ thích ứng, nỗ lực vươn lên, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
. Xin cám ơn Phó Thủ tướng.
Trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2022 • Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; khắc phục hạn chế, yếu kém của năm 2021, nhất là các tồn tại, hạn chế kéo dài; thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững. • Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, DN. Coi việc triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình tổng thể phòng chống dịch COVID-19 và chương trình phục hồi và phát triển KTXH là nhiệm vụ quan trọng cần được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai ngay từ những ngày đầu năm. • Bám sát tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển KTXH và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tận dụng các động lực tăng trưởng mới, bền vững... • Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Chú trọng nguồn lực con người, phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... • Bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, tạo việc làm, cơ cấu lại lực lượng lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. • Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, tăng cường, giữ vững quốc phòng, an ninh. Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. |