Sáng 14-3, phát biểu tại phiên khai mạc phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay phiên họp sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, phiên họp diễn ra trong 3,5 ngày dự kiến cho ý kiến và xem xét về ba nhóm vấn đề.
Về nhóm công tác lập pháp, ông Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bảy dự án luật trước khi xin ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội thông qua. Bảy dự án Luật gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Như vậy, sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành việc xem xét, cho ý kiến với chín dự án luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới.
“Có thể thấy tiến độ chuẩn bị các dự án luật của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan tích cực hơn, sớm hơn so với trước đây”- ông Vương Đình Huệ nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các dự án luật trên đều được các phó chủ tịch Quốc hội phụ trách ngành, lĩnh vực cùng cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc kỹ lưỡng, nhiều lần, nhiều vòng, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia nhà khoa học, có chỉnh lý bổ sung nhiều nội dung cơ bản.
Trong đó, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phụ trách lĩnh vực họp nhiều lần, mới đây Đảng đoàn Quốc hội cũng đã làm việc với Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội. Đến nay, dự án này đã được hoàn thiện thêm một bước.
“Đây là dự án luật đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa với sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô mà cả với cả nước. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức quan tâm, góp ý cả về nội dung và bố cục”- theo ông Vương Đình Huệ.
Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương, Tiền Giang; cho ý kiến vào công tác dân nguyện tháng 2.
Chất vấn hai Bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao
Nhóm vấn đề thứ ba là hoạt động chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành trọn ngày 18-3 cho việc chất vấn và trả lời chất vấn với hai nhóm vấn đề.
Thứ nhất là nhóm vấn đề thuộc vấn đề tài chính. Nội dung chất vấn tập trung vào công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm; hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty dịch vụ liên quan tài chính như cá cược, casino; thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, phòng chống buôn lậu; công tác quản lý giá, danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá…
Người chịu trách nhiệm trả lời chính trong nhóm lĩnh vực này là Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Nhóm vấn đề chất vấn thứ hai thuộc lĩnh vực ngoại giao, tập trung vào các nội dung: công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, tình trạng vi phạm của công dân Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền là lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam.
Cạnh đó là thực trạng triển khai các hoạt động song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới; thủ tục nhập cảnh của công dân các nước vào Việt Nam.
Một nội dung khác là công tác quản lý sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy ngành ngoại giao; giải pháp tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực ngoại giao.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn là người chịu trách nhiệm trả lời chính cho nhóm lĩnh vực này. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Ngoại giao trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội cho hay hoạt động chất vấn sẽ được phát thanh, tường thuật trực tiếp và có sự tham gia của một số phó thủ tướng cùng các bộ ngành liên quan. Quốc hội và Chính phủ cũng dự kiến họp để chuẩn bị riêng cho nội dung chất vấn này.