Bộ trưởng Bộ Nội vụ thống nhất phương án sắp xếp 80 phường của TP.HCM

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thống nhất phương án sắp xếp 80 phường của TP.HCM

(PLO)- Bộ trưởng Bộ Nội vụ thống nhất cao với phương án sắp xếp 80 phường của TP.HCM, vừa thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gắn với đặc thù của TP, đảm bảo ổn định chính trị xã hội.

Sáng 8-4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà dẫn đầu đoàn công tác đã làm việc với UBND TP.HCM về triển khai việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

Cùng tham dự có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.

sap-xep-80-phuong-tp.hcm-1.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và UBND TP.HCM về triển khai việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ảnh: THUẬN VĂN

Kiến nghị huyện Nhà Bè không sắp xếp

Báo cáo về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết TP.HCM thực hiện sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận trong giai đoạn 2023-2030, giảm 39 phường.

Theo bà Thắm, TP.HCM đã xây dựng 38 phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn 10 quận có liên quan. Trong đó có sáu phương án sáp nhập nguyên trạng ba phường thành một phường; 23 phương án sáp nhập nguyên trạng hai phường thành một phường và chín phương án điều chỉnh địa giới ĐVHC để thành lập phường mới.

sap-xep-80-phuong-tp.hcm-6.jpg
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm trình bày phương án sắp xếp của TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Tại buổi làm việc, TP.HCM kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét và chấp thuận cho TP.HCM rà soát xây dựng phương án cho cả hai giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030 để thực hiện sắp xếp chung một lần trong giai đoạn hiện nay. Mục đích là nhằm đảm bảo sớm ổn định cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và phù hợp với quy hoạch TP.

Nói rõ hơn về việc một số phường phải điều chỉnh địa giới ĐVHC để thành lập phường mới, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP quyết tâm mọi cách để bàn phương án sắp xếp, nhất là các phường có dân số lớn nhưng không đạt tiêu chí về diện tích.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thống nhất phương án sắp xếp 80 phường của TP.HCM
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao đổi thêm về lý do không sắp xếp huyện Nhà Bè. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo ông Hoan, ngoài xem xét các yếu tố đặc thù chung theo Nghị quyết 35/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì TP còn xem xét các yếu tố đặc thù của mỗi quận. Do đó, TP sắp xếp tối đa 10 phường trên mỗi quận, dựa trên việc phân bổ dân số, bố trí cơ sở hạ tầng trường học, y tế, văn hoá, giáo dục…

Ông Hoan cho biết có trường hợp “một ĐVHC lại nhận nửa này nửa kia”, tức nhận thêm một phần diện tích, dân số của một phường khác để tạo thành một ĐVHC mới cũng là nhằm đảm bảo phân bổ đều về dân số, hạ tầng, cơ sở vật chất.

Ông dẫn chứng các phường phải sắp xếp ở quận Bình Thạnh có tình trạng này là do không đảm bảo chỉ tiêu dân số nên phải “xẻ” ra, giúp nâng dân số lên đạt chuẩn và căn cứ cả yếu tố lịch sử. Do đó, mới có phương án một ĐVHC phải chịu “xẻ” làm đôi, bổ sung vào ĐVHC bên này một ít, bên kia một ít.

Đối với huyện Nhà Bè thuộc diện sắp xếp nhưng TP.HCM kiến nghị không sắp xếp, ông Võ Văn Hoan cho biết huyện Nhà Bè nằm trong nhóm năm huyện có đề án xây dựng huyện thành đô thị giai đoạn đến năm 2030, hiện đã có đề án trình Ban Thường vụ Thành ủy và đưa vào quy hoạch của TP.

"TP.HCM sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận, giảm được 39 ĐVHC là sự nỗ lực lớn của TP" - ông Hoan khẳng định.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết ngoài trung tâm đô thị hiện hữu và TP Thủ Đức, sắp tới TP.HCM sẽ có TP khu Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh; TP Tây Bắc gồm quận 12, huyện Hóc Môn và một phần huyện Củ Chi.

Theo ông Mãi, việc này đã được đưa vào định hướng quy hoạch của TP.HCM và sắp tới sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.

sap-xep-80-phuong-tp.hcm-10.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sẽ trình đề án sắp xếp ĐVHC chậm nhất vào tháng 7. Ảnh: THUẬN VĂN

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết tuy khối lượng công việc lớn nhưng TP sẽ cố gắng trình đề án sắp xếp ĐVHC vào cuối tháng 6, chậm nhất là tháng 7.

Đối với các vướng mắc về tâm lý tư tưởng của cán bộ, sắp xếp tài sản, kinh phí…, những vấn đề nào trong thẩm quyền, TP sẽ tập trung giải quyết.

Cũng theo ông Mãi, TP nhận khuyết điểm trong việc làm chậm sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện tinh giản biên chế TP do khối lượng quá lớn. TP đã yêu cầu sở, ngành rà soát, tính toán phương án, ngồi lại với các đơn vị để sắp xếp.

“TP có kiến nghị làm sao khoán quỹ lương rồi mới thực hiện vừa sắp xếp ĐVHC, đơn vị sự nghiệp công lập và tính được biên chế, chứ tính biên chế hiện hữu hàng năm thì không thúc đẩy tinh giản biên chế được” – ông Mãi nói và cho biết đối với việc tiếp nhận các đơn vị sự nghiệp công lập Trung ương, sau khi TP tính toán sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập tại TP thì TP sẵn sàng nhận lãnh.

sap-xep-80-phuong-tp.hcm-2.jpg
Lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện TP.HCM tham dự buổi làm việc. Ảnh: THUẬN VĂN

Chủ tịch TP.HCM cũng đề nghị Bộ Nội vụ cùng vào cuộc với TP trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng đề án nền công vụ hiệu lực, hiệu quả. Bởi theo ông đề án này là đột phá lớn về tổ chức bộ máy, con người, thể chế mà một mình TP.HCM không thể làm được.

Bộ Nội vụ thống nhất phương án sắp xếp của TP.HCM

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận TP.HCM đã thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc sắp xếp ĐVHC trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

sap-xep-80-phuong-tp.hcm-5.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thống nhất với phương án sắp xếp ĐVHC của TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

“Đây là việc rất khó, phức tạp, nhạy cảm, động chạm, không chỉ riêng trong đội ngũ cán bộ công chức, hệ thống chính trị mà còn cả cộng đồng dân cư, tầng lớp nhân dân và bên ngoài nhìn vào” – bà nhìn nhận và đánh giá phương án sắp xếp mà TP đưa ra là phương án tối ưu nhất, phù hợp với đặc thù của TP.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thống nhất cao với phương án sắp xếp 80 phường của TP.HCM, trong đó 77 phường thuộc diện sắp xếp, ba phường liền kề, từ đó giảm 39 phường.

“Chúng ta không thể đặt yêu cầu phải thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 35/2023, vì ngoài nghị quyết này còn có đặc thù chung của TP, phải gắn với đặc thù này, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị xã hội” – bà Trà nói.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý việc sắp xếp ĐVHC của TP phải gắn với việc khôi phục kinh tế - xã hội và thực hiện các Nghị quyết 98, Nghị quyết 31. Đồng thời đảm bảo thống nhất, đồng thuận trong hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư; phát huy tối đa tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch.

“Sắp xếp ĐVHC không hẳn là giảm số người làm việc mà mở ra không gian phát triển mới, sắp xếp lại khoa học, căn cơ, đảm bảo chiến lược phát triển trong tương lai” – bà nói thêm.

sap-xep-80-phuong-tp.hcm-9.jpg
TP.HCM dự kiến sẽ trình đề án sắp xếp hoàn thiện chậm nhất tháng 7. Ảnh: THUẬN VĂN

Đối với các phường được điều chỉnh địa giới hành chính, TP khẩn trương có văn bản trình Bộ Xây dựng đánh giá về tiêu chuẩn đô thị của ĐVHC sẽ hình thành sau sắp xếp.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thống nhất có 46 ĐVHC cấp xã đặc thù và huyện Nhà Bè không thuộc diện sắp xếp nhưng bà đề nghị TP luận giải các yếu tố đặc thù theo tinh thần Nghị quyết 35 và trên cơ sở đặc thù cụ thể của TPHCM, để Bộ Nội vụ có cơ sở thuyết phục Trung ương.

Bà cũng thống nhất việc TP.HCM thực hiện sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2023-2025 để ổn định kinh tế - xã hội, không phải thực hiện sắp xếp vào giai đoạn 2026-2030.

Về chính sách giải quyết chế độ cho đội ngũ cán bộ dôi dư, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị ngoài chính sách theo quy định thì có thể nghiên cứu căn cứ vào ngân sách của TP để giải quyết ít nhất là được khoảng 50% số lượng cán bộ, hoặc giải quyết cuốn chiếu trong năm năm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị TP.HCM chậm nhất 30-7 nộp đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Trong sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đã làm việc với UBND TP.HCM về Nghị định thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Nội vụ và các bộ ngành, cùng với lãnh đạo TP.HCM đã trao đổi, thảo luận các nội dung thuộc dự thảo nghị định mà các bộ, ngành vẫn còn chưa thống nhất, có nhiều ý kiến khác nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định này.

Đọc thêm