Hàng loạt cán bộ, công chức (CBCC) xã dùng bằng giả để đủ chuẩn tại vị và thăng chức. Nhiều nơi phát hiện cán bộ dùng bằng giả nhưng chỉ khiển trách, không thể cho thôi việc vì thiếu người làm. Trong khi đó, người có trình độ, bằng cấp lại không mặn mà làm CBCC xã… Các vấn đề được đề cập trong loạt bài “Bằng giả muôn mặt ở đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL) đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM vừa qua cho thấy một số nghịch lý trong quá trình chuẩn hóa cán bộ cơ sở hiện nay.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM bên lề hội nghị toàn quốc về hoạt động của UBND và HĐND, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn (ảnh)nói: Việc chuẩn hóa CBCC cấp xã hiện nay chỉ mới có thể thực hiện theo cách “vận dụng” và việc xử lý CBCC dùng bằng giả cũng phải “tùy cơ ứng biến”.
Khó chuẩn hóa triệt để
. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về trình độ, bằng cấp của CBCC cấp xã hiện nay?
+ Những năm gần đây, trình độ cán bộ cấp xã được nâng lên. Nhiều nơi đã tiếp nhận CBCC cấp xã có trình độ đại học về làm việc, thậm chí là trên đại học. Số đông cán bộ cấp xã đã được chuẩn hóa. Tuy nhiên, cũng có một số CBCC do có quá trình tham gia kháng chiến, công tác trước đây chưa được qua đào tạo nhưng có kinh nghiệm và có quá trình công lao thì cũng cần xem xét bồi dưỡng, bố trí sắp xếp để bảo đảm cuộc sống của họ.
. Vậy theo quy định chuẩn hóa hiện nay, CBCC cơ sở phải có trình độ, bằng cấp như thế nào, thưa ông?
+ Theo yêu cầu hiện nay, cán bộ cấp xã phải qua trình độ trung cấp chứ cũng không đòi hỏi trình độ gì cao xa. Đối với những cán bộ có trình độ cao hơn như cao đẳng, đại học và trên đại học cũng được khuyến khích về xã làm việc bằng cách trả lương theo trình độ đào tạo và nâng lương theo định kỳ.
Phải đề cao kỷ cương
. Qua ghi nhận thực tế của báo Pháp Luật TP.HCM, tình trạng CBCC cấp xã sử dụng bằng giả ở ĐBSCL khá phổ biến nhưng việc xử lý đa số chỉ dừng lại ở hình thức khiển trách, kiểm điểm. Ông nghĩ sao về việc này?
+ Chúng tôi cũng đi và nghe nhiều địa phương nói về tình trạng này và cũng thấu hiểu quá trình trưởng thành của đội ngũ cán bộ chúng ta. Đặc biệt là cán bộ cấp xã ở vùng sâu, vùng xa, trong đó có các tỉnh ĐBSCL. Trong đó có một số đồng chí đóng góp trong kháng chiến, có kinh nghiệm làm việc nhưng chưa được đào tạo. Riêng một số trường hợp không được đào tạo mà sử dụng văn bằng không đúng pháp luật thì hướng chung là phải nghiêm nhưng cũng cần xem xét. Phải xem xét là vì có thực trạng mà như báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, nếu tất cả cán bộ sử dụng bằng cấp không đúng ấy mà cho thôi việc hết thì trong giai đoạn nhất định, địa phương ấy không có người làm việc. Chính vì vậy mới cần phải xem xét từng trường hợp để quyết định xử lý hợp lý.
. Nhưng như vậy có thể dẫn đến nghịch lý: Người không chịu mua bằng cấp dỏm thì bị thôi việc, kẻ sử dụng bằng giả thì được tại vị hoặc lên chức?
+ Tôi nói phải xem xét ở đây là vì mỗi một cá nhân, con người đều có quá trình trưởng thành, có đạo đức, năng lực, trình độ khác nhau và yêu cầu của địa phương khác nhau. Trong từng hoàn cảnh, quá trình đóng góp của người đó và xem mục đích của bằng đó để làm gì. Nếu họ dùng bằng để đạt được vị trí sắp xếp thì họ bị kỷ luật nặng hơn. Còn với mục đích sử dụng các văn bằng ấy để nâng cao trình độ phục vụ cho công việc, còn chuẩn hóa họ đã đạt rồi thì xem xét có hình thức kỷ luật phù hợp.
Các bài báo trong loạt bài bằng giả đã đăng trên Báo Pháp Luật TP.HCM.
Cho nên quyết định vẫn là cấp chính quyền quản lý ở đó xem xét cụ thể, kể cả ý thức ăn năn của người đó chứ không phải xử lý tất cả giống nhau, tất cả đều buộc thôi việc, hay tất cả chỉ khiển trách hay cảnh cáo là không phù hợp. Nhưng cuối cùng vẫn phải đề cao kỷ cương. Có như vậy mới có tác dụng giáo dục và nâng cao trình độ CBCC. Cán bộ xã đã được công nhận là công chức thì phải có những quy định ràng buộc nâng cao chất lượng.
Đề xuất chính sách phụ cấp
. Vậy đối với cán bộ làm việc lâu năm nhưng không đạt trình độ theo quy định thì phải thực hiện chuẩn hóa như thế nào?
+ Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có hướng dẫn đối với những người chưa qua đào tạo nhưng có đóng góp thì sẽ được qua các lớp tập huấn nâng cao trình độ để vận dụng việc chuẩn hóa.
Tôi dùng chữ “vận dụng” là vì trong quy định yêu cầu phải trình độ trung cấp mà mình tổ chức các lớp ngắn ngày thì không thể gọi đó là trình độ trung cấp mà chỉ là bổ sung những kiến thức cần thiết cho họ làm ở những vị trí phù hợp, sắp xếp lương phù hợp. Đó cũng là sự quan tâm của nhà nước đối với cán bộ có cống hiến và cũng quan tâm giải quyết công việc ở địa phương để bù hụt hẫng do người được đào tạo, có bằng cấp thì họ chưa muốn về cơ sở.
. Để khắc phục tình trạng CBCC cơ sở dùng bằng giả để đạt chuẩn, theo bộ trưởng cần có cơ chế, chính sách như thế nào?
+ Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các CBCC đang làm việc tại cấp xã nhưng chưa đạt chuẩn thì phải có chính sách thu hút người có trình độ, bằng cấp về xã làm việc. Hiện nay, theo quy định, những người có bằng cấp đại học hoặc trên đại học về cấp xã làm việc vẫn trả lương theo trình độ đào tạo của họ. Họ cũng được nâng lương theo định kỳ, thậm chí được thăng tiến, bố trí công việc cao hơn…
Ngoài ra, Bộ Nội vụ đang cùng các bộ, ngành đề xuất chính sách phụ cấp cho CBCC vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn. Hướng của đề xuất này ngoài chế độ lương, chính sách thu hút người có trình độ, bằng cấp còn có chính sách phụ cấp. Ngoài ra còn một số cơ chế đặc thù khác như CBCC đồng ý làm việc ở vùng sâu, vùng xa thì có cơ chế chỉ xét tuyển chứ không phải thi. Hoặc là đối với những người mặc dù chưa được chuẩn hóa trình độ nhưng vẫn giữ họ ở lại làm việc và có chế độ bồi dưỡng cho họ…
. Xin cảm ơn ông.
THU HẰNG