Hàng trăm tấm bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc giả, nhờ công nghệ mà nó y như thật, tung ra tiêu thụ khắp nơi, đã được hàng loạt cán bộ vùng sâu mua để lên chức… Hóa ra lâu nay chuyện cán bộ ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An… kháo nhau đi tỉnh này tỉnh nọ thi lấy bằng ăn chắc là chuyện không ngoa.
Chuyện đi thi lấy bằng tốt nghiệp tưởng khó, ai dè đi tắm biển, đi nằm khách sạn cũng có bằng như chơi. Để giữ “bí mật”, dù đã hé lộ chuyện thi cử gian dối nhưng những cán bộ vi phạm khi trả lời với báo chí chỉ nói mình đưa tiền cho bạn bè chứ không hề giáp mặt “cò”. Đường dây mua bán bằng tuy rầm rộ song vẫn còn nằm trong bí ẩn.
Thi ngoài bãi biển Vũng Tàu!
Một cán bộ lãnh đạo nữ ở huyện Vĩnh Hưng (Long An) đã nghỉ việc vì bằng dỏm thật tình kể: “Lúc đầu nghe mọi người truyền tai, rủ nhau đi mua bằng tốt nghiệp, tôi cứ nghĩ mình nộp tiền rồi đến trường thi sẽ có người mang bài giải đến cho chép vào… Ai dè khi đến cổng Trường CĐ Nghề số 8, Bộ Quốc phòng, ở phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai), qua điện thoại, họ xua cả đoàn cán bộ đánh xe ra Vũng Tàu chơi, vì trường này của quân đội nên phải thuê bộ đội vào phòng thi hộ. Vậy là cả nhóm yên tâm cùng nhau dạo chơi phố biển...”.
Ai vui nhưng tâm trạng của vị cán bộ nữ này khá bất an. Chị kể tiếp: Buổi sáng nói với ông xã hôm nay em “đi thi” ở Biên Hòa, còn ông xã thì theo đoàn khác đi du lịch ở Vũng Tàu. Không ngờ hai người lại bất ngờ gặp nhau trên bãi biển! Mấy ngày đi thi là mấy ngày bụng dạ chị bồn chồn, lo sợ bị gạt mất tiền mà không có bằng. Lang thang bên biển, “ruột gan cứ nóng sốt cồn cào”. Mong cho mấy ngày thi qua mau để được về nhà. Thật tình, thoát xiêm y đi tắm biển mà có vui vẻ gì đâu!
Mỗi bằng cấp tốt nghiệp THPT hệ bổ túc (bằng giả) bán cho cán bộ ở tỉnh Long An có giá từ vài triệu đến 7 triệu đồng. Ảnh: T.PHÚC
Chuyến đi thi của vị cán bộ nữ này có đến trên 50 cán bộ khác ở các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ… cùng tháp tùng.
Từ điểm tập kết tại quán cà phê Thu Trang, thị trấn Tân Thạnh, một xe 15 chỗ ngồi chở mấy vị cán bộ cấp xã, thị trấn hướng thẳng về Đồng Nai. Họ đi mua bằng mà háo hức, vác ba lô, mang túi xách như những đứa học sinh chính quy đi thi đại học... Kết cục không ai được vào trường thi, đoàn nào cũng chuyển hướng ra Vũng Tàu, án binh bất động cho đến hết những ngày thi cử “căng thẳng” để không bị bại lộ chuyện mua bằng dỏm…
Nằm ở khách sạn cũng có bằng
Biết được chuyện thi mấy lần không đậu, một người điện thoại gạ gẫm ông Châu Trường Quốc - Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) “nộp hồ sơ thi ở Cần Thơ đi, dễ đậu lắm!”. Thế là ông Quốc đưa hồ sơ để họ nộp, rồi quầy quả lên Cần Thơ thử vận may. Tới Cần Thơ, những người dẫn mối nộp hồ sơ bảo rằng ông lớn tuổi rồi (thời điểm này ông Quốc 52 tuổi - PV), thôi cứ nghỉ ngơi ở khách sạn, không cần thi... Sau kỳ thi, có người đến tận nhà ông Châu Trường Quốc đưa giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) do ông Nguyễn Minh Chơn - Giám đốc Trung tâm GDTX quận Cái Răng ký ngày 22-6-2009 với tổng số điểm sáu môn thi là 30, xếp loại trung bình. Nhưng đổi lại ông phải chìa tiền cho lần “thi cử” ở... khách sạn và tấm giấy chứng nhận tốt nghiệp là 3 triệu đồng.
Đến ngày 20-8 đã phát hiện 253 trường hợp cán bộ, công chức ở Sóc Trăng nghi ngờ sử dụng bằng cấp, chứng chỉ bất hợp pháp. Trong đó cấp sở, ngành có bốn trường hợp, còn lại là cán bộ cấp huyện, xã, thị trấn. Ở hai huyện Mỹ Xuyên và Trần Đề có trên 10 cán bộ, công chức chủ chốt của huyện, xã bị phát hiện sử dụng bằng giả. Ở huyện Thạnh Trị, một huyện ủy viên và một vị ở Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy cũng bị phát hiện sử dụng bằng giả. Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cũng phát hiện 59 trường hợp giáo viên ở bậc mầm non và tiểu học sử dụng bằng, giấy chứng nhận tốt nghiệp (THPT và bổ túc THPT) giả. Trong đó vẫn còn trên 1.500 người thuộc ngành vẫn chưa được kiểm tra. |
Không chỉ có cán bộ xã mà nhiều giáo viên tiểu học huyện Cù Lao Dung... cũng được mai mối làm hồ sơ dự thi ở Cần Thơ ngay tại quán cà phê mà vẫn có trong tay giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) với giá 5 triệu đồng.
Khi chúng tôi tìm hiểu việc xài bằng giả, ông Trà Nao, Chánh văn phòng UBND huyện Mỹ Xuyên, cười cười: “Tôi cũng là người trong cuộc nè. Tôi rất sốc khi bị công khai là sử dụng bằng giả. Cho phép tôi không bàn luận về chuyện này”. Ông tiếp: Giờ tôi chẳng nói gì được, tất cả chờ kết luận chính thức của UBND tỉnh. Khi đó mọi chuyện sẽ rõ ràng”. Được biết, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ có văn bản khẳng định bằng bổ túc THPT khóa 2007 của ông Nao không do sở này cấp.
Qua ghi nhận của PV, giá mỗi bằng tốt nghiệp giả dao động từ vài triệu đến 6-7 triệu đồng. Tùy người, tùy mặt, lạ hay quen và còn phụ thuộc vào người đã học đến lớp 12 thi rớt, hay chỉ học tới lớp 9-10… rồi bỏ dở!
TÂM PHÚC - GIA TUỆ