Khi hội nhập, hàng hóa nước ngoài có nguy cơ tràn ngập, bóp chết sản xuất trong nước, cuối cùng chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Ảnh: MINH KHUÊ
Khơi lại tinh thần kinh doanh
TBKTSG: Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu rất cao, Bộ trưởng thấy thế nào?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Hiếm có luật nào mà ngay từ khi soạn thảo đã nhận được sự quan tâm của nhân dân, doanh nhân, trí thức, các nhà kinh tế trong và ngoài nước, các đối tác phát triển như những luật này. Sau khi luật được thông qua, dư luận của xã hội, của nhân dân, doanh nghiệp, đặc biệt khối nước ngoài rất tốt. Cách tiếp cận trong hai luật từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” là tiến bộ lớn. Tư tưởng của các luật này là làm sao giúp người dân khởi nghiệp kinh doanh chịu chi phí thấp nhất khi tham gia thị trường như tiết kiệm tiền bạc và thời gian.
Hiện tại, chúng tôi đang tích cực soạn thảo thông tư, nghị định. Tuy nhiên, tôi lo lắng điểm rất yếu là thực hiện luật kém. Luật nào cũng thiết kế không tồi, nhưng nhận thức và tổ chức thực hiện pháp luật không nghiêm, nên người thực thi, các cơ quan công quyền lợi dụng để gây khó cho người dân, cho doanh nghiệp.
. Thưa bộ trưởng, ông nói sao về yêu cầu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, một điểm rất phiền hà trong Luật Doanh nghiệp?
- Về lý lịch tư pháp, cơ quan soạn thảo nói không cần. Vì hiện nay chúng ta có cần đâu, có yêu cầu lý lịch của ai đâu mà mọi việc vẫn tốt đẹp. Quy tắc làm luật là nếu như chỉ vì lo vài cá nhân không tốt thì phải có chế tài riêng xử lý cái đó; chứ không nên làm khó tất cả những người khác phải trình lên trình xuống lý lịch tư pháp. Hơn nữa, như doanh nghiệp FDI, hôm nay họ thuê người điều hành này, mai có thể thuê người khác; chúng ta không có quyền quyết định thay họ. Trong luật đã nêu rõ những trường hợp không được điều hành doanh nghiệp, ví dụ người còn đang có án… giờ yêu cầu tất cả phải có lý lịch tư pháp thì gây nhiều phiền toái. Đây cũng là lỗ hổng, tôi nghĩ như vậy.
.Ông hình dung như thế nào về sự hưởng ứng của người dân với các luật này. Liệu tinh thần kinh doanh có được khơi dậy như những năm 2000 trong bối cảnh các doanh nghiệp đang rất khó khăn, hơn 200.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong vòng bốn năm qua?
- Nhu cầu lập doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập là rất chính đáng, và liên tục vì Việt Nam còn đang phát triển, nhu cầu còn cao. Tuy nhiên, từng thời điểm thì khác nhau. Luật Doanh nghiệp 2000 từng tạo làn sóng để doanh nghiệp phát triển vì đó là lần đầu tiên chúng ta có khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho thành lập doanh nghiệp. Vì thế có hàng trăm ngàn doanh nghiệp như hiện nay.
Người dân, doanh nghiệp, và bất kỳ ai sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên khoáng sản của đất nước, đem lại lợi ích nhiều nhất cho đất nước, thì họ phải được tiếp cận, chứ không phải phân biệt đó là thành phần nào.
Gần đây, kinh tế vĩ mô chao đảo nên doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, điều đó cũng giúp sàng lọc. Ở những quốc gia phát triển ổn định như Anh cũng tới 40% doanh nghiệp đóng cửa sau năm năm. Còn với quốc gia có kinh tế vĩ mô không tốt như chúng ta, thì chuyện vài chục ngàn trong hàng trăm ngàn doanh nghiệp thành lập phải đóng cửa là đương nhiên. Chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận, có nhiều doanh nghiệp làm ăn chính đáng, nhưng phải đóng cửa do khó khăn. Đây là điều hết sức xót xa.
Cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra các thị trường mới, và nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tôi kỳ vọng người dân đừng mang tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng, mà hãy mang ra sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập chính đáng cho mình và xã hội. Tất cả chúng ta phải dồn sức khuyến khích điều đó.
Phải đi theo kinh tế thị trường
Kinh tế vĩ mô đã ổn định dần sau ba năm có Nghị quyết 11, nhưng cái giá phải trả không hề nhỏ. Bộ trưởng có cảm thấy tiếc nuối điều gì không?
- Nói điều này thì hơi nhạy cảm. Song, nếu chúng ta điều chỉnh trong thắt chặt tiền tệ để lạm phát không tụt quá nhanh, kèm theo đó là có giải pháp khác hỗ trợ doanh nghiệp, thì nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn. Nếu chúng ta lường trước nợ xấu, vấn đề mà chúng ta đang phải xử lý, thì hệ lụy cũng đỡ hơn. Nhưng về cơ bản, chúng ta đã ổn định được kinh tế vĩ mô trong vòng ba năm. Và bây giờ, việc ổn định kinh tế vĩ mô luôn thường trực trong đầu các nhà lãnh đạo bộ, ngành và cấp cao hơn. Đó là bài học tốt. Còn đáng tiếc ư? Cuộc sống này không có gì trọn vẹn cả, được cái này thì phải trả giá cái kia.
. Nhưng nhu cầu tăng trưởng của Việt Nam là rất lớn, phải tạo ra công ăn việc làm mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Làm sao cân bằng được thực tế đó?
- Nhu cầu đó là quá lớn, cực lớn. Chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam đã từng có cơ hội tăng trưởng 8-9%? Tại sao giờ không được như vậy? Chúng tôi đang cùng các chuyên gia quốc tế, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, soạn thảo Báo cáo Việt Nam 2035. Báo cáo này giúp đánh giá Việt Nam đang ở đâu trong thang bậc khu vực và thế giới; Việt Nam vừa qua phát triển thế nào, tiềm năng là gì, vừa qua tăng trưởng bằng gì, động lực nào, và bây giờ động lực đó có còn tác động không; và Việt Nam muốn có tăng mạnh 8-9% như trong quá khứ, thì chúng ta phải thay đổi thế nào? Muốn có thay đổi thì cần không chỉ vài giải pháp cụ thể, mà đòi hỏi thay đổi cả nền tảng thể chế kinh tế. Tôi nhắc lại là phải thay đổi thể chế kinh tế. Chúng ta phải khẳng định là Việt Nam phải đi theo kinh tế thị trường. Có nhiều yếu tố chúng ta tưởng là thị trường rồi, nhưng không phải.
Ví dụ giá dịch vụ y tế 17 năm không hề thay đổi; vừa qua mới thay đổi chút thôi, nhưng nó quá nhỏ bé, không phù hợp thực tế. Hơn nữa, giá đó được Nhà nước áp đặt thế, chứ chưa được tính đúng, tính đủ. Trong ngành y tế có hai điểm sáng là bệnh viện tim của Hà Nội và TPHCM. Họ hoàn toàn không dùng ngân sách, họ tính đúng, tính đủ giá dịch vụ theo cơ chế thị trường, họ không hề nhận phong bì. Nhưng ở đây người nghèo vẫn được mổ tim, vì họ dùng hỗ trợ nhà nước để lo cho người nghèo. Chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa nhân tố thị trường trong dịch vụ công như động lực để mở bung các cơ sở dịch vụ công, phục vụ người dân tốt hơn.
Giá điện cũng phải tính theo cơ chế thị trường, nhưng Nhà nước lo cho người nghèo, ví dụ miễn phí 30 kWh đầu tiên và tiến tới 60 kWh. Bàn tay nhà nước là thế.
Tại sao chúng ta không sử dụng tốt hơn tài nguyên khoáng sản còn rất ít đang nằm trong tay các tập đoàn nhà nước. Dầu khí thì trong tay PVN, than thì trong tay TKV, còn apatit của tập đoàn Hóa chất. Nếu có doanh nghiệp khác có khả năng khai thác và chế biến hiệu quả hơn, chúng ta có chuyển giao cho họ không? Đó là cơ chế thị trường, song chúng ta có làm đâu? Các doanh nghiệp khác muốn làm thì phải xin mấy tập đoàn này. Đương nhiên đời nào họ cho. Đó chỉ là những ví dụ nhỏ. Còn bao nhiêu nhân tố thị trường mà chúng ta chưa làm. Phải sử dụng nguyên tắc thị trường để phân bổ lại nguồn lực. Người dân, doanh nghiệp, và bất kỳ ai sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên khoáng sản của đất nước, đem lại lợi ích nhiều nhất cho đất nước, thì họ phải được tiếp cận, chứ không phải phân biệt đó là thành phần nào.
.Tăng giá theo nguyên tắc thị trường là cần thiết, nhưng điều mà người dân và doanh nghiệp đòi hỏi, là cơ cấu của thị trường đó cũng phải thay đổi. Ví dụ như ngành điện, cung cấp xăng dầu vẫn là Nhà nước độc quyền?
- Tất nhiên cái gì chuyển đổi cũng phải có quá trình, không thể qua đêm là thay đổi ngay một loạt được. Đòi hỏi đó là hoàn toàn chính đáng. Ngay trong cuộc họp của tôi với ba bộ trưởng Tài chính, Công Thương, và Thống đốc gần đây cũng đặt ra điều đó. EVN tăng giá điện để tiếp cận giá thị trường thì chúng tôi đồng tình. Tuy nhiên, giá của anh có cơ cấu thế nào, chi phí có hợp lý không, so với các nước khác như thế nào... Bên cạnh tăng giá thì chúng ta cũng đẩy nhanh cổ phần hóa, bóc tách truyền tải và nguồn cung để đưa tới thị trường điện cạnh tranh. Tất cả những điều đó phải làm đồng thời để đảm bảo minh bạch, hợp lý.
Đối mặt với thách thức chưa từng có
.Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về năm 2015. Đâu là điều ông băn khoăn nhất?
- Tôi nghĩ những gì đạt được trong năm 2014 là cố gắng lớn, nhưng thách thức và cơ hội của năm 2015 là vô cùng lớn. Năm 2015 đặt ra tăng trưởng là 6,2%, chúng ta nghĩ đơn giản vì năm nay đã tăng trưởng 5,9% rồi, năm sau 6,2% là chuyện nhỏ. Không phải vậy. Mỗi điểm phần trăm tăng trưởng ở quy mô lớn thì khác. Hơn nữa, cứ tăng trưởng theo cơ học như tăng khai thác tài nguyên thì không để lại điều gì tốt cho các năm sau.
Về cơ hội, chúng ta đang có nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đang làm hết mình đổi mới thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Các doanh nghiệp FDI đang coi Việt Nam là nơi dừng chân rất tốt.
Một cơ hội nữa là các FTA mở ra các thị trường mới. Chúng ta hy vọng cơ hội xuất khẩu sản phẩm là hàng nông sản, may mặc, tạo nhiều việc làm hơn, đạt giá trị cao hơn, đem lại lợi ích cho người sản xuất và xã hội. Tuy nhiên, tôi cũng lo là doanh nghiệp không ai để tâm. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi là chúng tôi chả biết gì về cái này. Họ bảo nghe bộ trưởng nói quá hay, nếu được biết rõ việc này thì tuyệt nữa. Rất nguy hiểm. Bây giờ làm sao thông tin cho họ, rằng các FTA là lợi, nhưng quan trọng là phải chuẩn bị gì, Nhà nước phải giúp họ cái gì.
Tuy nhiên, chúng ta lại phải nhìn ở góc độ khác là thách thức. Thách thức là những động lực tăng trưởng càng giảm đi nếu chúng ta tiếp tục đi theo đường cũ, như dựa vào khai thác khoáng sản để xuất thô. Trữ lượng thì ngày càng cạn kiệt, mà giá lại giảm. Như dầu thô chúng ta dự toán bán được 100 đô la Mỹ/thùng, mà giờ chỉ được 55 đô la Mỹ/thùng thì khai thác là lỗ. Nếu giảm khai thác 30% sản lượng thì tăng trưởng giảm đi 0,8-1,2% GDP. Chúng ta đang phải đối mặt với chuyện đó.
Vấn đề thứ hai là khi hội nhập mà chúng ta lại không chuẩn bị gì cả, là thua trên sân nhà. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho phép tự do luân chuyển hàng hóa và nhân lực kỹ thuật tự do trong Asean vào 2015; và thuế sẽ về 0% vào năm 2018. Chẳng hạn, người Philippines với lợi thế tiếng Anh thông thạo, họ sang đây làm cho các tổ chức, thì chúng ta mất rất nhiều việc làm.
Hàng hóa nước ngoài có nguy cơ tràn ngập, bóp chết sản xuất trong nước, cuối cùng chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Một nền kinh tế mà sản xuất không phát triển, chỉ có tiêu dùng thì không thể tồn tại. Lúc đó thất nghiệp sẽ gia tăng vì không có việc làm, cuối cùng ai cũng tranh nhau vào làm trong cơ quan hành chính nhà nước. Một nền kinh tế như vậy là rất nguy hiểm. Tôi rất lo lắng cho việc này. Tôi thực sự lo lắng. Thách thức này là vô cùng lớn và nguy hiểm.
Thứ ba, cá nhân tôi cho rằng đến thời điểm này các động lực phát triển đã tới hạn rồi, tức là đã hết động lực phát triển rồi. Chúng ta có tiếp tục đổi mới không, sau năm 2015 có tiếp tục cải cách thể chế, khắc phục các yếu kém để tạo sung lực mới cho đất nước phát triển không. Nói thì dễ nhưng làm rất khó… Tranh chấp cái được và không được đang rất cam go. Tôi không chỉ lo cho năm 2015 đâu, tôi lo cho những năm sau đó. Nếu không làm triệt để, thì chúng ta sẽ khó khăn.
.Những điều bộ trưởng lo lắng dường như đã xảy ra rồi. Ví dụ, nền kinh tế đã phụ thuộc nước ngoài khi khu vực FDI chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu.
- Cái chính là do chúng ta không phát triển được khối doanh nghiệp trong nước gồm Nhà nước và tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước đang được thu hẹp, chỉ giữ một số vị trí trọng yếu trong nền kinh tế thôi. Chúng ta đã thống nhất với nhau điều này, và đang tái cơ cấu. Vậy thì phải mở bung ra cho doanh nghiệp tư nhân. Điều đó là hết sức cần thiết. Nhưng vì chúng ta chưa tạo đủ động lực trong bối cảnh khó khăn này để doanh nghiệp tư nhân bùng phát.