Chợ mạng tung chiêu 'độc lạ' để hút khách mua sắm Tết

(PLO)- Các nền tảng mua sắm online đang bước vào giai đoạn sôi động của mua sắm Tết với nhiều ưu đãi miễn phí về cả giá hàng hóa và vận chuyển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chị Ngọc Huyền, nhân viên văn phòng tại Tân Bình, TP.HCM cho biết, chị đã sắm sửa gần xong cho mùa Tết, từ bánh kẹo, nước uống cho tới thực phẩm thiết yếu khác. Hầu hết các mặt hàng trên đều được chị mua online và mua trên các phiên livestream của sàn thương mại điện tử (TMĐT).

"Tôi làm kế toán nên cuối năm rất bận, cứ giờ nghỉ trưa là tranh thủ lên sàn TMĐT xem livestream từ các nhãn hàng vừa có khuyến mãi vừa có miễn phí ship. Cũng có mặt hàng tôi mua của người quen trên Facebook, mỗi lần tôi lại đặt một chút, giảm áp lực mua sắm Tết những ngày cuối năm" - chị Huyền nói.

Nhu cầu mua sắm online tăng cao dịp cuối năm

Theo nhiều đơn vị kinh doanh online, vào những tuần giáp Tết nhu cầu mua sắm online của người dân trở nên sôi động.

Anh Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House cho biết, từ sau Tết dương lịch tới nay, công ty của anh phải làm việc hết công suất để kịp đóng gói hàng cho khách.

"Đối với các sản phẩm của thương hiệu July House như xịt phòng tinh dầu, chăm sóc nhà cửa từ bồ hòn... tính đến 15 ngày đầu của tháng 1-2025, lượng đơn đã tăng 136% và đạt bằng doanh số của tháng 1-2024. Kỳ vọng từ nay tới cuối năm, tổng doanh thu sẽ tăng 150% so với năm ngoái. Tương tự, sản phẩm thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên Macaland cũng tăng trưởng 133% so với cùng kỳ và tăng gấp 5 lần số lượng đơn so với ngày thường".

Tương tự, ở ngành hàng thời trang, sau vài tháng trầm lắng của thị trường, hiện nay doanh số của các thương hiệu đã tích cực trở lại.

Ông Đào Thế Vinh, nhà sáng lập thương hiệu thời trang phụ kiện Midori nhìn nhận, thời trang vẫn là ngành hàng hút khách trong dịp cuối năm, nhất là đối với phương thức thương mại điện tử.

MUA SẮM TẾT
Trong dịp cuối năm, mỗi ngày Midori bán ra khoảng 2.500 đơn hàng. ẢNH: THU HÀ

"Ước tính trung bình mỗi ngày chúng tôi bán ra khoảng 2.500 đơn hàng/ngày trên Shopee và TikTok Shop. Hiện tại doanh số và sản lượng bán ra tăng 75% so với cùng kỳ" - ông Vinh bày tỏ và kỳ vọng mùa Tết 2025 sẽ có nhiều bứt phá.

Đơn vị nghiên cứu số liệu thị trường TMĐT Metric.vn cũng nhìn nhận, với đà tăng trưởng chung của ngành và xu hướng mua sắm hiện nay, doanh số và sản lượng toàn thị trường trong dịp Tết 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 45% và 47% so với dịp Tết 2024. Trong đó, hai sàn Shopee và Tiktok Shop được dự đoán sẽ chiếm phần lớn doanh số của ngành thương mại điện tử.

Cũng như mọi năm, các ngành hàng thời trang, sắc đẹp, thực phẩm đồ uống... sẽ tiếp tục bứt phá trên online, tạo ra doanh số tốt trong dịp Tết 2025.

Đua nhau tung khuyến mãi

Ở góc độ các sàn TMĐT, đại diện các đơn vị đều nhìn nhận sức mua đang tốt lên và hình thức mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) đã tác động tích cực đến hành vi tiêu dùng hiện nay.

Đại diện Shopee cho hay, chỉ tính riêng quý 4-2024, dịp cao điểm của mua sắm cuối năm, doanh số bán hàng từ các phiên livestream kết hợp ca nhạc, hoặc livestream kết hợp buổi fan meeting (buổi họp fan) đã tạo ra kỷ lục về người xem lẫn doanh số bán hàng.

“Năm nay Tết Nguyên đán tới sớm, do đó người tiêu dùng cũng mua sắm sớm hơn để tránh tình trạng hết hàng và tận dụng các chương trình khuyến mãi. Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm mua sắm Tết tập trung vào quý 4-2024.

Nền tảng ghi nhận có 8 triệu chiếc áo dài được bán ra trong thời điểm này, với giá trị đơn hàng từ 250.000 đồng. Và có khoảng 2 triệu giỏ quà Tết, 2 triệu đơn hàng bao lì xì đã đến tay người dùng. Ngay cả lượng đơn hàng bán ra từ Shopee Mall (các đơn vị chính hãng) cũng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ” - đại diện Shopee chia sẻ.

Cạnh đó các mặt hàng như thời trang, làm đẹp, nhà cửa... đang có lượt mua hàng tăng cao đột biến. Chỉ tính riêng sản phẩm trang trí Tết, Shopee ghi nhận 6 triệu lượt tìm kiếm.

Đại diện TikTok Shop cũng nhìn nhận, shoppertainment đã tạo đà tăng trưởng doanh số cho các nhãn hàng đang kinh doanh trên nền tảng. Lấy ví dụ minh chứng, chỉ tính riêng MV “Tết bao vui” để quảng bá cho mua sắm cuối năm, tính từ ngày 25-12-2024 tới ngày 15-1-2025, MV đã thu hút 529 triệu lượt xem trên nền tảng và gần 109 nghìn bài đăng đính kèm MV này.

mua sắm tết
Các phiên livestream bán hàng vẫn tạo sức hút lớn với người tiêu dùng. ẢNH: HẠ QUYÊN

Cùng với đó, các phiên livestream và superme livestream (phiên livestream lớn) tiếp tục "bão đơn". Đơn cử trong phiên livestream trong ngày 8-1 của Bộ NN-PTNT kết hợp với TikTok Shop và đơn vị liên quan trong Lễ hội hoa - kiểng huyện Chợ Lách Bến Tre, đã có gần 1.500 đơn hàng hoa kiểng của nông dân Chợ Lách được bán ra trên Tiktok Shop. Đáng lưu ý, 80% số nhà bán hàng tại Chợ Lách tham gia hoạt động đều là các nhà bán lần đầu tham gia bán hàng trên nền tảng.

Tương tự, Lazada cũng không kém cạnh khi tung ra ưu đãi lên tới 90% cho mùa mua sắm Tết. Đồng thời miễn phí vận chuyển toàn quốc, và cơ hội quy đổi xu (1 sản phẩm tích điểm) đến 50% giá trị đơn hàng...

Năm nay đơn vị này còn thay đổi cách thức shoppertainment bằng cách tổ chức chuỗi livestream “mukbang” mã giảm giá, tái hiện một trào lưu ẩm thực trực tuyến với sự góp mặt của KOL đình đám, để thu hút người dùng tham gia mua sắm trên nền tảng.

Ngay cả ứng dụng đặt món và giao đồ ăn như ShopeeFood cũng không bỏ lỡ xu hướng mua sắm này khi triển khai phiên livestream kéo dài 9 tiếng trong ngày 15-1 vừa qua. Cạnh đó còn mời nhóm nhạc B.O.F làm đại sứ thương hiệu để thu hút người dùng.

Nói với PLO, bà Hoài Anh, đại diện ShopeeFood cho rằng, đây là những hoạt động sáng tạo đầu tiên của năm 2025. “Chúng tôi mong muốn mở đầu một năm 2025 với nhiều trải nghiệm đặt món phong phú kết hợp với giải trí sáng tạo độc đáo, tạo nên một xu hướng ẩm thực kết hợp giải trí đặc biệt” - bà Hoài Anh chia sẻ.

Hàng Việt hút khách mua sắm online

Theo ghi nhận của TikTok Shop, trong năm 2024, chương trình “Tự hào hàng Việt” đã có với hơn 10.000 doanh nghiệp Việt và 90.000 sản phẩm địa phương được quảng bá trên nền tảng.

Trong đó chiến dịch “Sắm Tết bao vui” đã thúc đẩy nhiều sản phẩm OCOP và địa phương tới gần hơn với người tiêu dùng. Đáng chú ý, trong lần đầu tiên livestream bán sầu riêng đông lạnh nguyên quả, đã có hơn 300 đơn hàng tới tay người tiêu dùng.

Tương tự, Shopee cũng ghi nhận, trong chuỗi livestream đồng hành tôn vinh nông sản Việt và hơn 20 nhà bán địa phương từ các tỉnh, thành trên cả nước, đã có hơn 80.000 đơn hàng nông đặc sản địa phương và trái cây được bán ra thành công từ sàn.

Sàn bán lẻ online xuyên biên giới phải có đại diện tại Việt Nam

Tại dự thảo đề cương xây dựng Luật thương mại điện tử đang lấy ý kiến rộng rải, Bộ Công Thương đề xuất thương nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương. Họ cũng phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam.

Các sàn bán lẻ xuyên biên giới sẽ bị cấm bán hàng, cung cấp dịch vụ khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý về thương mại điện tử; Các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử (dịch vụ trung gian, dịch vụ logistics, thanh toán) cũng bị cấm hợp tác, cung cấp dịch vụ cho nền tảng chưa đáp ứng điều kiện hoạt động tại Việt Nam.

Bộ Công Thương thừa nhân, quy định hiện tại chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong thương mại điện tử. Sự xuất hiện nhiều mô hình mới, như thương mại điện tử xuyên biên giới, khiến quản lý gặp khó.

Ngoài các sàn xuyên biên giới, các hình thức mới như livestream bán hàng chỉ được điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm bán hàng, chưa có các quy định riêng về chủ thể tham gia, thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, định danh tài khoản.

Thời gian qua, một số sàn xuyên biên giới như Temu, Shein… chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng vẫn cho người dùng tải ứng dụng, mua hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm