Sáng 26-6, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA vay ưu đãi nước ngoài năm 2019”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói việc giải ngân vốn ODA vay ưu đãi nước ngoài chậm đến mức "báo động". Ảnh: CHÂN LUẬN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong bài phát biểu khai mạc cho hay giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán.
Nếu với “tốc độ” giải ngân chậm như hiện nay thì hết năm 2019 vẫn còn gần 167.000 tỉ đồng trong số 300.000 tỉ đồng cần phải giải ngân. Nếu theo kế hoạch điều chỉnh của Quốc hội là 360.000 tỉ đồng cần giải ngân cả giai đoạn 2016-2020, thì số còn lại chưa được giải ngân là gần 223.000 tỉ đồng.
“Đây là một con số rất đáng báo động”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Trình bày báo cáo về giải ngân nguồn vốn ODA, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại Trương Hữu Long cho hay tiến độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2019 rất chậm, đòi hỏi phải có các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy giải ngân theo kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao.
Nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn ODA, theo báo cáo là do Kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí thiếu so với nhu cầu; Kế hoạch đầu tư công 2019 phân bổ chậm.
Việc bố trí vốn thiếu so với kế hoạch và tiến độ triển khai cũng như so với cam kết của các hiệp định vay đang là mối quan tâm của cả chủ dự án và các nhà tài trợ. Chỉ tính riêng nhóm các dự án của 6 nhà tài trợ phát triển đã có trên 60 dự án chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2019 theo đúng nhu cầu, với nhu cầu vốn cần bổ sung là trên 34.000 tỉ đồng.
“Tình trạng giao kế hoạch vốn chưa đúng, chưa đủ vẫn còn tồn tại. Cá biệt có một số dự án đã hết thời hạn giải ngân nhưng vẫn được bố trí kế hoạch vốn .... Ví dụ Dự án Xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Dự án Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh - tỉnh Thanh Hóa; Chương trình đào tạo nghề 2008”, ông Long chỉ ra.
Ông Trương Hữu Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho hay, nhiều dự án đã hết hạn giải ngân nhưng vẫn được bố trí vốn. Ảnh: CHÂN LUẬN
Việc điều chỉnh kế hoạch vốn ở các dự án và các tiểu dự án diễn ra thường xuyên và liên tục ở tất cả Bộ ngành và địa phương. Nhiều trường hợp dự án đến khi được điều chỉnh thì đã hết thời hạn giải ngân và lại phải xin gia hạn dự án, gia hạn giải ngân kéo theo nhiều thủ tục pháp lý rất phức tạp.
Điển hình như các dự án “Nâng cấp đô thị đồng bằng sông Cửu Long, dự án Phát triển đô thị loại vừa vay vốn WB, dự án Đường hành lang ven biển phía Nam, dự án Phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung vay vốn ADB, Dự án Thu gom, xử lý nước thải TP. Vũng Tàu vay vốn Chính phủ Pháp...
Ngoài ra, ông Long cũng đề cập đến những vướng mắc về thủ tục đầu tư, vướng mắc về thủ tục cho vay lại, vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại kỳ họp Quốc hội tháng 12-2018, Quốc hội đã thông qua dự toán vốn nước ngoài cho đầu tư phát triển năm 2019 là 60.000 tỉ đồng, dự toán vốn nước ngoài chi hành chính sự nghiệp là 4.667 tỉ đồng và hạn mức giải ngân cho vay lại chính quyền địa phương là 17.172 tỉ đồng.
Tính đến nay, các bộ ngành và địa phương đã phân bổ chi tiết cho các đơn vị sử dụng và nhập TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) là 24.483 tỉ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển, bằng 85,5% kế hoạch vốn Bộ KH&ĐT giao, bằng 41% kế hoạch vốn Quốc hội phê duyệt.