Ngày 10-10, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ quý IV-2023.
Tai nạn giao thông có giảm
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, cho biết trong 9 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ tai nạn giao thông, giảm 90 vụ (giảm 1,07%) so với cùng kỳ năm 2022.
Tai nạn làm 4.765 người tử vong, giảm 60 người (giảm 1,24%) và bị thương 5.802 người, tăng 216 người (tăng 3,87%).
Có 33 tỉnh, TP có số người tử vong do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 13 địa phương giảm trên 20% số người chết. Cụ thể là Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Thái Nguyên, Kiên Giang, Điện Biên, Hà Nội, Lai Châu, Tiền Giang, Bến Tre, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Quảng Trị và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, còn 29 địa phương có số người tử vong do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2022. Trong đó 9 tỉnh tăng trên 40% là Phú Thọ, Nam Định, Kon Tum, Long An, Thái Bình, Đồng Nai, Lạng Sơn, Thanh Hóa và Hà Tĩnh.
Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo CSGT, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Kết quả, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý trên 2,5 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 4.800 tỉ đồng, tước hơn 484.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 780.000 phương tiện các loại.
So với cùng kỳ năm 2022, xử lý vi phạm tăng hơn 428.000 trường hợp (tăng 20,35%), tiền phạt tăng hơn 1.900 tỉ đồng (tăng 69,92%).
Ông Khuất Việt Hùng đánh giá, tai nạn giao thông được kiềm chế và kéo giảm về số vụ và số người chết so với cùng kỳ, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu về kéo giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% ở cả 3 tiêu chí, số người bị thương còn tăng.
Hai vấn đề nổi cộm
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm trên toàn quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, còn nhiều nơi để xảy ra các vụ tai nạn giao thông thương tâm và đáng tiếc. Việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng. Tai nạn giao thông giảm nhưng theo đánh giá là chưa bền vững.
“Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì và quyết tâm trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới"- ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng đề nghị các đại biểu nhìn thẳng vào các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp mới, đột phá, khả thi để góp phần kéo giảm các vụ tai nạn giao thông trong thời gian tới.
Đặc biệt, ông yêu cầu tập trung vào 2 vấn đề bức xúc nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm. Đầu tiên là công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó, cần làm rõ còn yếu khâu nào, nằm ở quy định pháp luật hay khâu thực thi, nếu thực thi thì ở khâu nào, cấp nào chưa làm tốt chức năng.
Tiếp theo là hiện tượng thanh thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, điều khiển xe mô tô gây tai nạn giao thông tại một số địa phương...
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023, TP xảy ra 1.114 vụ tai nạn giao thông, làm chết 408 người và bị thương 711 người.
So với cùng kỳ năm 2022, giảm 369 vụ (giảm 24%), giảm 76 người chết (giảm 16%), giảm 256 người bị thương (giảm 26%).
Ông Lợi thông tin, thời gian tới TP.HCM sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức phân luồng giao thông trên các tuyến đường trọng điểm, các tuyến cửa ngõ; tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, TP sẽ tập trung triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm, chiến lược như đường song hành Quốc lộ 50, nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà và chuẩn bị đầu tư dự án trọng điểm. Bên cạnh đó là cấp bách kết nối các tuyến giao thông liên vùng như Vành đai 2, Vành đai 4, Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cầu Cần Giờ...