Đó là một trong những nhấn mạnh của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong buổi làm việc mới đây với các chuyên gia, Vụ/Cục để bàn về hướng dẫn đánh giá SGK theo các tiêu chí của Thông tư 33, về việc soạn thảo sách giáo khoa chất lượng cho chương trình GDPT mới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì cuộc họp.
Hiện nay, một dự thảo hướng dẫn cụ thể hóa các điều, khoản trong Thông tư 33; các nội dung hướng dẫn tránh định kiến trong biên soạn sách; nội dung tích hợp về giáo dục bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới… đã được xây dựng.
Đây là tài liệu hướng dẫn mang tính chất Khung áp dụng cho tất cả các bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Tài liệu này sẽ được tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo dục uy tín, các thành viên dự kiến mời tham gia Hội đồng nghiên cứu thảo luận theo đặc trưng của bộ môn, đặc biệt là đối với SGK lớp 1, để từ đó thống nhất được cách hiểu, cách tiếp cận thống nhất khi đánh giá SGK lớp 1.
Theo kế hoạch, trong đầu tháng 7, Hội thảo - Tập huấn các cho các thành viên dự kiến tham gia Hội đồng thẩm định sẽ được tổ chức.
Ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong việc chuẩn bị thẩm định SGK lớp 1, cho ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đây là sự khởi đầu của một chuỗi các hoạt động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có ý nghĩa chính trị, trách nhiệm xã hội to lớn, do đó cần thực hiện thật tốt.
“Để thuận lợi cho các Hội đồng thẩm định SGK, ta cần cụ thể hóa Thông tư 33 thành các hướng dẫn cụ thể để đánh giá SGK chung và SGK của từng môn học tại lớp 1. Hướng dẫn này cần rõ ràng, tường minh; không trái pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam; vừa kế thừa những ưu điểm của các văn bản liên quan khác, vừa tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có tính phổ quát và thực tiễn cao”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.