Ngày 23-5, hơn 69 triệu cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2022. PLOđã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia Phạm Thị Thanh Trà, xung quanh việc tổ chức bầu cử trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Lo ngại tác động từ dịch COVID-19
.Phóng viên: Qua kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương, bà thấy vấn đề lớn nhất cần phải lưu ý trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử là gì, thưa Bộ trưởng?
+ Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Qua đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại một số địa phương, điều đáng ghi nhận là các địa phương đã có sự chuẩn bị rất tốt các công việc liên quan đến cuộc bầu cử, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ thời gian. Đến nay, các điều kiện vật chất, phương tiện, nhân lực, nguồn lực phục vụ cho cuộc bầu cử cơ bản đã được bảo đảm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: HOÀNG HẢI
Về vấn đề cần lưu ý, trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử, các địa phương cần tiếp tục chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia, Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đề phòng, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các thiên tai, bão lũ, các tình huống dịch bệnh bùng phát trong quá trình triển khai các hoạt động bầu cử.
Chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương rất kỹ lưỡng, từng bước, từng việc trong bối cảnh cụ thể như giãn cách xã hội thế nào, cách ly thế nào… Hội đồng bầu cử quốc gia đã chỉ đạo rất sát, từng việc.
Tuy nhiên, điều khiến tôi lo ngại nhất là tác động từ dịch COVID-19. Ở những địa bàn đang có dịch, sự biến động của cử tri liên tục thay đổi do cử tri phải đi cách ly, công nhân ở các khu công nghiệp được nghỉ việc, sinh viên các trường đại học, cao đẳng được nghỉ học về quê…
Ngay các thành viên tổ bầu cử cũng liên tục có sự thay đổi khi nhiều trường hợp bị nghi nhiễm COVID-19… Trong khi đó, việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên mới bổ sung gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Điều này sẽ tác động, ảnh hưởng đến nhiệm vụ của Tổ bầu cử trong ngày bầu cử.
Mặt khác, nếu địa phương không chuẩn bị kỹ phương án cho ngày bầu cử thì sẽ có khoảng thời gian số lượng cử tri tập trung đông tại Phòng bỏ phiếu. Do vậy, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 tại các điểm bỏ phiếu cũng là vấn đề các địa phương có dịch phải chủ động xây dựng kịch bản, phương án rất kỹ lưỡng, cụ thể.
Để tiếp tục đồng hành cùng với các địa phương có dịch tổ chức tốt cuộc bầu cử, Bộ Nội vụ đã, đang và sẽ tiếp tục cử các đoàn đi kiểm tra tại các điểm bỏ phiếu, nơi cử tri thực hiện quyền bầu cử. Quan điểm của Bộ là đi thẳng vào vùng dịch để kiểm tra việc tổ chức bầu cử, có như vậy mới sát được và rút kinh nghiệm kịp thời, có phương án xử lý các tình huống xảy ra.
“Đừng cứng nhắc, máy móc”
. Như bà đề cập, một trong những điều lo ngại nhất hiện nay là sự biến động cử tri liên tục thay đổi. Vậy làm thế nào để nắm bắt được sự di biến động của cử tri?
+ Bộ Nội vụ thống kê kỳ bầu cử này, cả nước có gần 69,2 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện tạm dừng một số hoạt động, loại hình dịch vụ không thiết yếu. Nhiều trường đại học, cao đẳng đã chuyển sang học trực tuyến, dẫn đến có không ít người lao động và sinh viên, học viên đã rời các thành phố lớn để trở về quê. Điều này dẫn đến những biến động nhất định trong danh sách cử tri đã được niêm yết, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát thẻ cử tri và việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử hôm 18-5. Ảnh: HOÀNG HẢI
Hội đồng bầu cử quốc gia đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Hiện các địa phương đang rà soát, cập nhật từng ngày, từng giờ di biến động của cử tri; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa những địa phương nơi cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu với những địa phương nơi mà cử tri trở về quê hoặc phải đi cách ly tập trung…
Chính quyền quyền địa phương cơ sở phải nắm bắt sát tình hình di biến động của các cử tri để trao đổi, thống nhất với cử tri trong việc gạch tên khỏi danh sách cử tri nơi đã đăng ký tham gia bỏ phiếu trước đây và bổ sung kịp thời vào danh sách cử tri nơi mới đến.
Một vấn đề phát sinh từ di biến động cử tri hiện nay mà chúng ta cần giải quyết là số lượng cử tri ở các đơn vị bầu cử giảm, không bảo đảm đủ số cử tri đi bầu cử, đặc biệt là khi các trường đại học đã cho sinh viên nghỉ học hoàn toàn. Các địa phương phải lường trước vấn đề này.
Mới đây, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn ghép các khu vực bỏ phiếu, chẳng hạn, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện chỉ còn cán bộ, giáo viên thì có thể ghép với khu vực bỏ phiếu dân cư ở đó và xóa tên trong danh sách cử tri đối với các sinh viên đã trở về quê.
Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục bằng việc nhắn tin, thông báo qua zalo… để địa bàn vùng đó chỉ đạo luôn, đừng cứng nhắc quá. Các trường đại học cần chủ động thông tin cho sinh viên, để sinh viên trở về địa phương được thực hiện quyền bầu cử. Lúc này máy móc quá sẽ rất khó, vì đây là tình huống phát sinh.
Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các Tổ bầu cử phối hợp chặt chẽ với cán bộ ở thôn, tổ dân phố khẩn trương rà soát danh sách cử tri trong quá trình phát thẻ cho cử tri trên địa bàn. Trong đó, lưu ý các trường hợp có yêu cầu đặc biệt như cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật hoặc cử tri thuộc diện cách ly để phòng, chống dịch bệnh.
Các tổ chức phụ trách bầu cử cần có biện pháp chỉ đạo, theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình biến động của cử tri trong danh sách cử tri trên địa bàn để có phương án chuẩn bị số lượng phù hợp các hòm phiếu phụ, thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu trong ngày bầu cử, để bảo đảm tất cả cử tri đều thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.
4 kịch bản tổ chức bầu cử
.Xin Bộ trưởng cho biết các kịch bản trước, trong và sau ngày bầu cử đối với trường hợp bầu cử trong điều kiện phòng, chống dịch? Những đô thị lớn có rất nhiều khu chung cư, trường hợp phải cách ly cả tòa nhà hay việc bầu cử tại các cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện được thực hiện thế nào?
+ Để hướng dẫn kịp thời công tác bầu cử trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Nội vụ đã ban hành Văn bản số 2135/BNV-CQĐP ngày 13-5-2021 hướng dẫn cụ thể về công tác chuẩn bị, quy trình thực hiện tổ chức bầu cử tại khu vực bỏ phiếu tập trung (bảo đảm quy trình về phòng, chống dịch); tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly y tế tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội tại địa bàn bị phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho cử tri là bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc COVID-19.
Đồng thời, để tránh sự lây lan dịch bệnh, hướng dẫn của Bộ Nội vụ yêu cầu UBND cấp xã chỉ đạo tổ dân phố, tổ bầu cử phân bổ thời gian bỏ phiếu phù hợp, bảo đảm không tập trung cử tri quá đông vào cùng một thời điểm.
Để có cơ sở truy vết trong trường hợp có cử tri là F0, F1 đi bỏ phiếu, Bộ Y tế đã có hướng dẫn thành viên tổ bầu cử phải ghi rõ thời gian (giờ, phút) của cử tri đến phòng bỏ phiếu.
Hiện có khoảng 110 nghìn người đang cách ly y tế tại 27 địa phương, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế đã hướng dẫn 4 kịch bản bầu cử đối với những khu vực này. Vấn đề quan trọng là các địa phương quyết định phương án tổ chức bầu như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, tình hình thực tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch bệnh, vừa phục vụ an toàn cho công tác bầu cử, để cuộc bầu cử được diễn ra thuận lợi, thông suốt, tiết kiệm và đúng luật.
. Xin cám ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi này.