Cả nước đã sẵn sàng cho ngày bầu cử 23-5

Sáng 18-5, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận tại hội nghị.
Ảnh: HOÀNG HẢI

Phương án cho 3 “điểm nóng” về dịch COVID-19

Trong sáng 18-5, hội nghị đã dành nhiều thời gian để lãnh đạo các địa phương đang là “điểm nóng” của dịch COVID-19 báo cáo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử 23-5.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho biết đến thời điểm này TP Đà Nẵng đã rà soát tất cả công việc, cơ bản đảm bảo cho ngày bầu cử. Tuy nhiên, ông cho rằng dịch bệnh ở Đà Nẵng diễn biến phức tạp, với gần 6.500 người F1, F2 đang cách ly tập trung và cách ly tại nhà.

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công tác bầu cử, ông Triết cho biết trong những ngày tới, 525 điểm bầu cử sẽ diễn tập bốn phương án chống dịch, xét nghiệm cho 12.200 thành viên của các tổ bầu cử, triển khai xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình với 276.000 hộ; tiến hành khai báo y tế bắt buộc; phân chia thời gian đi bỏ phiếu từng địa bàn, tránh tập trung đông người; bố trí nhân sự dự phòng do có thể thay đổi do dịch.

Theo ông Triết, hiện các địa phương ở Đà Nẵng đang lúng túng với trường hợp cử tri đã được cấp thẻ và việc niêm yết danh sách cử tri hoàn thành trước 7 giờ ngày 22-5. Tuy nhiên sẽ có trường hợp cử tri có danh sách niêm yết nhưng bị cách ly ở địa phương khác sau 7 giờ ngày 22-5. Do vậy, lãnh đạo TP Đà Nẵng kiến nghị Ủy ban bầu cử quốc gia quan tâm giải quyết vấn đề này.

Cũng là một tỉnh dịch đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết đến 0 giờ sáng 18-5, tỉnh cho dừng hoạt động bốn khu công nghiệp lớn, cách ly xã hội huyện Việt Yên và giãn cách ở ba huyện khác. “Tỉnh ủy đã bàn kỹ phương án làm, hoàn tất sáu tình huống phòng chống dịch trong ngày bầu cử, trong đó có lưu ý tình huống bầu cử trong các bệnh viện dã chiến” - ông Dương nói. Ông cũng cho biết hiện tỉnh có 411 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại ba bệnh viện dã chiến, dự kiến đến ngày bầu cử, số bệnh nhân sẽ tăng lên khoảng 500-600 người và tăng thêm số bệnh viện dã chiến.

Một thách thức khác là việc tổ chức bỏ phiếu ở những điểm cách ly tập trung tại các khu công nghiệp, mỗi điểm có tới hàng ngàn người. Do vậy, ông Dương cho biết tỉnh Bắc Giang đang tính đến việc tổ chức thêm các điểm bỏ phiếu tại những khu vực này. Tỉnh cũng tính tới phương án lập hòm phiếu phụ, bảo hộ cho thành viên các tổ bầu cử mang hòm phiếu vào những điểm cách ly tập trung.

Tại tỉnh Bắc Ninh, bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết thách thức của tỉnh là có khoảng 30.000 công nhân lao động từ Bắc Giang qua Bắc Ninh và tỉnh có trên 3.000 người sang Bắc Giang làm việc, rất phức tạp. Đến thời điểm này, Bắc Ninh đã cách ly xã hội 2/8 địa phương, giãn cách xã hội 5/8 địa phương, tập trung xét nghiệm truy vết với 163.000 mẫu.

Theo bà Lan, do thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly đã dẫn đến số lượng cử tri biến động, người xã này, huyện này sang xã khác, huyện khác cách ly. Do đó, bà đề nghị nếu ở cùng một huyện thì cử tri dù ở xã này sang xã khác thì vẫn được quyền bỏ phiếu ba cấp.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đề xuất cần tổ chức bầu cử sớm ở một số địa bàn. Ảnh: HOÀNG HẢI 

Đề xuất bỏ phiếu sớm ở một số nơi

Bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, đề xuất được bỏ phiếu sớm trước 1-2 ngày ở các điểm cách ly tập trung, khu vực phong tỏa do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lý do bà đề xuất như thế vì ở các khu vực này rất phức tạp.

Đồng tình với đề xuất này, Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết Bộ Quốc phòng cũng đã có hơn 100 đơn vị tổ chức bầu cử sớm từ ngày 4-5 đến nay ở Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa. “Chúng ta cũng phải tính đến chuyện bầu cử sớm ở vùng có dịch COVID-19 cho phù hợp, còn nếu để bầu cử đúng ngày 23-5 thì tôi lo không hoàn thành trọn vẹn” - tướng Giang nói.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng, việc bầu cử cũng cần tính đến điều kiện thời tiết bão lũ ở các tỉnh biên giới phía Bắc. “Trước hôm tôi lên Bắc Kạn kiểm tra công tác bầu cử, lũ ống, lũ quét xảy ra khiến hơn 400 ngôi nhà bị hư hỏng phải sửa chữa, người chết có và bị thương cũng có” - tướng Giang nói và cho rằng cần ủy quyền cho địa phương tổ chức bầu cử phù hợp với thực tế địa phương đó.

Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị các địa phương chủ động, linh hoạt khi xây dựng phương án bầu cử phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, trong đó có điều kiện thực tiễn về phòng chống dịch bệnh và thiên tai lũ lụt. “Phải có sự chủ động chứ không phải cứng nhắc, bởi mỗi địa phương có điều kiện khác nhau, thiên tai lũ lụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào” - ông Định nói.

Còn về kiến nghị bầu cử sớm, ông Định khẳng định luật cho phép thì Hội đồng bầu cử quốc gia có quyền. Hội đồng bầu cử quốc gia đã cho 15 tỉnh, thành bầu cử sớm và có kết quả tốt. “Do vậy, Bắc Ninh và bất cử tỉnh, thành nào có nhu cầu thì các đồng chí gửi văn bản lên hội đồng để giải quyết” - ông Định nói.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng khẳng định với các khu vực có nhu cầu bầu cử sớm thì địa phương cần có văn bản cụ thể và Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ trả lời. Ông cho rằng ở những nơi phức tạp thì việc bầu sớm 1-2 ngày để đến ngày 23-5 tập trung cho công việc bầu cử chung thì “đó là việc rất tốt và tôi hoàn toàn đồng tình”.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong ngày bầu cử

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tình hình an ninh trật tự hiện nay cơ bản được bảo đảm, điểm bầu cử ở các nơi không có vấn đề gì phức tạp. Tuy nhiên, ông yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối ở từng điểm bầu cử tại các địa phương.

Ông cũng thông tin hiện nay xuất hiện một vài nguy cơ ảnh hưởng đến việc bầu cử nhưng không nhiều, chủ yếu là các “điểm nóng”, trong đó có hiện tượng khiếu kiện. Do vậy, cần phải chủ động vấn đề này, nếu không đến ngày bầu cử sẽ lúng túng. 

Không được lơ là, chủ quan và lo chu toàn cho dân

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định đến nay mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 23-5. Các địa phương còn gặp khó khăn do dịch bệnh như Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh đều quyết tâm tổ chức bầu cử đúng thời gian và thành công.

Các địa phương cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bầu cử. “Có thể nhận định rằng cuộc bầu cử này sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ thành công tốt đẹp” - ông Vương Đình Huệ nói.

Theo Chủ tịch QH, chỉ còn năm ngày nữa là đến ngày bầu cử, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn rủi ro. Do vậy, ông Vương Đình Huệ yêu cầu các đơn vị, địa phương không được lơ là, chủ quan. Trong đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo; chủ động xây dựng các phương án bầu cử phù hợp với từng địa phương; tiếp tục tập huấn bổ sung, dự phòng nhân lực.

Cùng với đó cần rà soát, hoàn thiện cơ sở vật chất, tập dượt kỹ càng các phương án tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh và phương án cho các tình huống xảy ra thiên tai, bão lũ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho cuộc bầu cử diễn ra thành công và an toàn.

Ông Vương Đình Huệ cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Các lực lượng công an, quân đội, y tế cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử, bảo đảm an toàn cho từng hòm phiếu, khu vực bỏ phiếu, cho cán bộ, nhân viên tổ bầu cử và cử tri.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời giải quyết những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai gây ra. Đồng thời giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện đông người, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

TP.HCM: 3.000 tổ bầu cử đã sẵn sàng

Phát biểu tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết tính đến nay, tổng số cử tri của TP là gần 5,5 triệu người với hơn 3.000 tổ bầu cử được thành lập.

Trước diễn biến của dịch COVID-19 khó lường, bà Lệ cho biết Ủy ban bầu cử TP.HCM đã xây dựng bốn tình huống phòng chống dịch: Tổ chức bầu cử tại các khu vực, địa điểm bỏ phiếu; tổ chức bầu cử cho cử tri đang cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc phong tỏa; tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hay xác định mắc COVID-19.

Cũng theo bà Lệ, từ nay đến ngày bầu cử, TP sẽ tập trung triển khai quyết liệt các yêu cầu, nhiệm vụ nhằm đảm bảo tốt nhất công tác bầu cử. Tiếp tục tổ chức hội nghị để các ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử, tổ chức mạn đàm tiểu sử ứng cử viên. UBND phường, xã, thị trấn triển khai kế hoạch, lịch trình bỏ phiếu; đồng thời thông báo rộng rãi đến cử tri, vận động người dân đi bỏ phiếu đúng thời gian quy định.

“Có thể nói đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử đã cơ bản hoàn tất. TP.HCM đã sẵn sàng cho ngày hội lớn của toàn dân - ngày bầu cử 23-5” - bà Lệ khẳng định. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm