Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: 2 giá đất và lỗ hổng thất thu ngân sách

(PLO)- Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bước sang ngày thứ hai của phần chất vấn và trả lời, sáng 8-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Ông Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đăng đàn trên cương vị bộ trưởng Bộ Tài chính.

“Hôm nay, chúng tôi được chất vấn và trên tinh thần cầu thị xin lắng nghe ý kiến của ĐB. Có ý kiến chúng tôi xin phép trả lời thẳng nếu nắm được cụ thể. Còn những vấn đề mang tính chi tiết hoặc đang tiếp tục nghiên cứu thuộc về chính sách, xin trả lời bằng văn bản” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc “rào đón” khi mở đầu phần chất vấn.

Lỗ hổng đất đai trong các quy định về cổ phần hóa
doanh nghiệp
nhà nước

Các ĐB như Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM), Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang)… đặt vấn đề về chống thất thoát tài sản, nhất là nhà đất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước. Đồng thời, một số ĐB khác cho rằng đang tồn tại những quy định không phù hợp là “nút thắt” khiến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra rất chậm.

Bộ trường Hồ Đức Phớc thừa nhận: “Việc sắp xếp nhà đất và việc phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong quá trình cổ phần hóa”.

Ông cho biết UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt phương án sắp xếp tài sản công liên quan cổ phần hóa nhưng thực tế triển khai rất chậm. Đây là một lý do khiến năm 2021 chỉ thoái vốn được 18 DN và cổ phần hóa được bốn. “Đây là vấn đề về mặt luật pháp, phải được hoàn thiện” - ông nói.

Theo tư lệnh ngành tài chính, pháp luật hiện hành cho phép không tính vào giá trị DN nhà nước nếu tài sản gắn liền với thuê đất hằng năm. Cũng là tài sản đó, nếu nằm trên thửa đất đã nộp gọn tiền sử dụng một lần thì lại phải tính vào giá trị DN. “Đây là lỗ hổng cần khắc phục để cổ phần hóa thì đất đai không bị thất thoát” - ông Phớc nói.

Dẫn các vụ án liên quan đến TCT Nông nghiệp Sài Gòn, TCT Công nghiệp Tân Thuận, ông Phớc cho biết đều liên quan đến đất đai, thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước ở kết quả chuyển mục đích sử dụng đất.

“Đây cũng là nút thắt”. Bộ trưởng Tài chính nói tiếp: “Nếu chúng ta tháo gỡ được thì chắc chắn năng lực của nền kinh tế, sức mạnh của DN sẽ nâng lên. Như thế sẽ không khuyến khích DN nhìn những khu đất có lợi thế thương mại để cổ phần hóa”.

Giảm giá xăng dầu, phần nào trong tay Chính phủ, phần nào phải QH quyết?

Một vấn đề rất nóng kéo dài từ phần chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan sang phần chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc là giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là thuế xăng dầu.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhắc lại ý kiến của mình ở phiên họp toàn thể tuần trước: “Giảm thuế hay không cũng thuộc thẩm quyền của Thường vụ QH và QH”.

Đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn bằng cách bấm nút đăng ký tự động hoặc giơ biển để tranh luận lại với người trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn bằng cách bấm nút đăng ký tự động hoặc giơ biển để tranh luận lại với người trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Cho đến nay, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã giảm 2.000 đồng/lít, tương đương giảm thu ngân sách 24.000 tỉ đồng. Theo ông Phớc, Thường vụ QH chỉ còn quyền giảm 1.000 đồng/lít nữa. Còn nếu muốn giảm tiếp 2.000

đồng/lít hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, xuất nhập khẩu hay VAT thì phải trình QH quyết.

“Chúng tôi định có văn bản đề nghị với Chính phủ, đề nghị với QH ủy quyền cho Thường vụ QH quyết định thuế trong xăng dầu cho linh hoạt. Tuy nhiên, đối chiếu Hiến pháp, thì chỉ khi được QH đồng ý, chúng tôi mới có cơ sở để trình”.

Trong trách nhiệm của mình, vị bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay sẽ đánh giá tác động và báo cáo với Chính phủ để Chính phủ trình Thường vụ QH, QH, đồng thời nhắc lại ý kiến bữa trước: “Nếu chỉ giảm thuế để giảm giá xăng dầu mà vẫn để buôn lậu xảy ra thì vô hình trung dòng tiền của chúng ta lại chạy sang nước ngoài, sang Lào, Campuchia, Thái Lan”.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ sau đó có chút lưu ý Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: “Đề nghị bộ trưởng rà soát lại, cái nào là trách nhiệm của QH, cái nào là Thường vụ, là của Chính phủ. Ví dụ biểu thuế xuất nhập khẩu trong công thức giá cơ sở là trách nhiệm của ai? Có phải của Chính phủ không? Không phải thuế nào cũng là QH và Ủy ban Thường vụ QH đâu”.

Ngoài ra, ông Huệ cũng lưu ý ngoài “công cụ thuế” thì còn có chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp. “Chúng ta phải nghiên cứu một cách toàn diện các công cụ và các giải pháp” - Chủ tịch QH nói.

Hai giá đất tạo lỗ hổng thất thu ngân sách

Những bất cập sau chỉ đạo của Bộ Tài chính về chống thất thu thuế giao dịch bất động sản tiếp tục được các ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), Đặng Hồng Sĩ (Bình Thuận) đặt ra trong phiên chất vấn.

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhắc lại quy định của pháp luật cho phép sử dụng bảng giá đất do chính quyền sở tại công bố làm căn cứ thu thuế và lưu ý “đây cũng là một lỗ hổng về thất thoát tiền thuế của Nhà nước”.

Minh họa cho lập luận này, ông Phớc - người chịu trách nhiệm về thu ngân sách quốc gia cho biết sau khi ngành thuế quyết liệt chỉ đạo, “bốn tháng đầu năm 2022 đã thu được 16.200 tỉ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 6.600 tỉ đồng. Có những trường hợp ở TP.HCM sau khi được vận động, tuyên truyền, giải thích thì từ 500 triệu đồng kê khai lại lên 10 tỉ đồng. Chúng tôi có đầy đủ danh sách. Việc này mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước”.

Ông Phớc không phủ nhận tình trạng mà nhiều ĐBQH phản ánh là cán bộ thuế lợi dụng chỉ đạo của Bộ Tài chính để gây khó dễ, tiêu cực, mà cho biết đã có công điện yêu cầu Tổng cục Thuế chống tham nhũng, chống nhũng nhiễu, trục lợi, gây phiền hà, sách nhiễu với người dân.

“Anh (cơ quan thuế - PV) chỉ tuyên truyền, không có quyền ngăn chặn hồ sơ chuyển nhượng. Tôi đã chỉ đạo tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hậu kiểm chứ không được tiền kiểm” - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Một số ĐB đề cập vấn đề chống thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, xuyên biên giới. Ông Phớc thừa nhận: “Đây là một vấn đề rất khó” và cho hay lĩnh vực này năm ngoái cả nước thu được 5.000 tỉ đồng tiền thuế, những tháng đầu năm nay thu được gần 500 tỉ đồng.

Việt Nam hiện có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, gồm 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ và ba công ty đối tác. Tính ra có hơn 100 sàn hoạt động xuyên biên giới.

“Chúng tôi đã thiết lập cổng đăng ký và thanh toán xuyên biên giới để các DN xuyên biên giới có thể đăng ký để nộp thuế. Vừa qua Facebook nộp 1.965 tỉ đồng, Google nộp 1.902 tỉ đồng, Microsoft 651 tỉ đồng và hết quý I thì phí phát sinh của Microsoft là nửa triệu USD, TikTok nộp 45,6 tỉ đồng… Chúng tôi đang nghiên cứu và tìm phương án tối ưu nhất để thực hiện được vấn đề thu trên sàn thương mại điện tử” - ông Phớc cho hay.•

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “chấm điểm” hai bộ trưởng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba, QH khóa XV bắt đầu từ chiều 7-6 vắt sang sáng 8-6, với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Kế tiếp là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Trước khi chuyển sang phần của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã có một vài nhận xét:

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước QH. Nhưng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu, bộ trưởng đã cho thấy mình nắm rõ tình hình thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.

Nhìn chung, bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề ĐBQH đặt ra, đồng thời gợi mở rất nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực này trong thời gian tới.

QH đánh giá cao bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời các vấn đề ĐBQH đặt ra, cơ bản rất bình tĩnh và tự tin, mặc dù có lúc rất nhiều ĐB giơ biển tranh luận rất dồn dập. Bộ trưởng tuy mới trả lời lần đầu nhưng đã có kinh nghiệm nghị trường khá dày dặn rồi nên rất tự tin và rất bình tĩnh.

..................................................

Ngân hàng Nhà nước chưa nhập khẩu vàng miếng vì nhu cầu trong nước không lớn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Trong phần trả lời chất vấn buổi chiều, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tiếp tục khẳng định ngành ngân hàng luôn gắn liền, đồng hành với người dân, DN.

Đề cập tình trạng lừa đảo rút tiền trong tài khoản ngân hàng, bà Hồng cho biết các vụ việc xảy ra phần nhiều bắt đầu từ việc tội phạm công nghệ cao lừa lấy những thông tin của chủ tài khoản, rồi thông qua các ứng dụng Internet Banking tiếp tục lấy cắp thông tin, thụt két tài khoản online. NHNN cần phải phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng xác minh, có giải pháp để cảnh báo đối với người có tiền trong tài khoản lưu ý, cảnh giác.

Thống đốc cho biết lĩnh vực an toàn thông tin tại Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp. Hình thức vi phạm rất đa dạng như làm giả các hồ sơ, giấy tờ để giao dịch với ngân hàng; lấy thông tin cá nhân của khách hàng, tiếp cận lấy tiền qua Internet Banking; tấn công lấy thông tin khách hàng để mua bán, đòi tiền chuộc; dùng giấy tờ giả để mạo danh lừa đảo…

NHNN đã ban hành nhiều chỉ thị chấn chỉnh và cũng đã phối hợp với các cơ quan an ninh thông tin của Bộ Công an, Bộ TT&TT lên các tình huống giả định để có biện pháp ứng phó. Nhưng nhìn chung, theo bà Hồng, giải pháp vẫn là mỗi ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cần tiếp tục rà soát, kiện toàn phương án bảo vệ an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng; xây dựng nguồn nhân lực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo mật thông tin cho khách hàng.

Về vấn đề “tín dụng đen”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay NHNN đang rà soát, sửa đổi quy định để đưa ứng công nghệ vào, thuận lợi hóa cho DN trong hoạt động cho vay. Dự kiến NHNN sẽ ban hành thông tư riêng về tín dụng của công ty tài chính, trong đó quy định rất rõ về các quy định về đòi nợ, lãi suất.

Ngoài giải pháp đa dạng hóa sản phẩm cho vay, đẩy mạnh truyền thông để cạnh tranh, thu hẹp thị trường “tín dụng đen”, NHNN cũng đang phối hợp tích cực với Bộ Công an tổ chức các hội nghị về phòng chống tín dụng đen tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong phiên chất vấn, một số ĐB bày tỏ băn khoăn về tình trạng chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới. Thống đốc NHNN cho biết tùy thời điểm, giá vàng thế giới có thể biến động cao thấp bất thường. Giá vàng trong nước cũng chung xu hướng ấy, tuy nhiên tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn so với điều chỉnh giảm.

Lý do, theo bà Hồng, biến động giá vàng thế giới khiến bản thân các DN vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro, nên phải niêm yết giá khá cao. Tuy nhiên, diễn biến đến thời điểm này, vì nhu cầu mua vàng của người dân không quá lớn nên NHNN chưa thấy cần nhập khẩu vàng để can thiệp. NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm