Bộ trưởng thất hứa sẽ bị xem xét trách nhiệm

Trong khi đó, dự kiến vào kỳ họp QH tới, QH cũng sẽ yêu cầu các bộ trưởng phải báo cáo việc thực hiện lời hứa khi trả lời chất vấn trước QH. Pháp Luật TP.HCM trò chuyện đầu tuần với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến xung quanh hai nội dung quan trọng này.

. Phóng viên:Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp QH thứ 4 tới đây (từ tháng 10 đến tháng 11) là việc QH yêu cầu các bộ trưởng báo cáo kết quả thực hiện lời hứa tại các phiên chất vấn trước đó. Ông đánh giá sao về nội dung trên?

+ Ông Lê Như Tiến: Ở nước ngoài, các nhà chính trị thường rất tôn trọng lời hứa. Ví như khi anh nhậm chức, anh hứa sẽ thực hiện một điều gì đó anh lại không thực hiện được. Khi đó, các nhà chính trị tự nhận thấy mình mất uy tín, thấy được trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý nên từ chức.

Ở nước ta điều này chưa được thực hiện. Thậm chí khi QH chưa thực hiện việc ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn thì chất vấn xong, coi như là xong. Nhưng bắt đầu từ khóa XIII, sau mỗi kỳ họp, QH thường ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Các lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành cũng được thể hiện rõ ràng trong nghị quyết.

Thông qua đó, các đại biểu, các cơ quan của QH dễ dàng giám sát các bộ trưởng, trưởng ngành xem họ thực hiện lời hứa trước QH ra sao. Để cuộc giám sát được hiệu quả thì vấn đề quan trọng nhất là phải làm rõ được trách nhiệm cá nhân của người bị giám sát.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến chất vấn thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Ví như vấn đề tai nạn, ùn tắc giao thông, bộ trưởng Bộ GTVT đã hứa là tìm mọi giải pháp… để giảm tai nạn 5%-10%. Trong thực tiễn lời hứa đó thực hiện ra sao, tai nạn đã giảm chưa? Hay đối với lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ, thống đốc ngân hàng cũng đã hứa sẽ làm tình hình ngân hàng tốt lên, giảm nợ xấu, rồi tăng cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất, xử lý nghiêm các ngân hàng thương mại vi phạm… Những vấn đề đó, từ lời hứa đến việc làm thực tế có đạt không…?

Tất cả điều đó sẽ được làm rõ thông qua phiên báo cáo thực hiện lời hứa mà các bộ trưởng, trưởng ngành trình bày trước QH.

Không để bộ trưởng độc thoại

. Nhưng nếu chỉ để các bộ trưởng, trưởng ngành độc thoại đọc báo cáo xong là thôi, không cho đại biểu chất vấn thì khó có thể phát hiện ra được bộ trưởng nào thất hứa, nguyên nhân thất hứa, cũng như trách nhiệm của bộ trưởng?

+ Đúng là như thế. Bởi thông thường các đại biểu sau khi chất vấn thường xem xét, giám sát các bộ, ngành đó và bản thân bộ trưởng có bắt tay vào hành động trước những vấn đề bức xúc mà đại biểu QH đặt ra không, lời hứa đã chuyển động chưa. Nếu mà chưa thì cũng phải tạo điều kiện cho đại biểu tái chất vấn. Ví như đại biểu thấy rằng tôi chất vấn như thế, QH ra nghị quyết như thế, bộ trưởng đã hứa như thế nhưng tình hình lại không chuyển biến, thậm chí lại xấu đi vì sao. Tức là cho phép các đại biểu được chất vấn lại theo kiểu đối thoại.

Hơn nữa, hậu chất vấn là quá trình chuyển động và hành động. Anh đã hứa như thế nhưng mà không làm cho tình hình tốt lên mà xấu đi thì tôi phải chất vấn lại. Chứ để độc thoại theo cách bộ trưởng đọc báo cáo thực hiện lời hứa xong rồi thôi thì khó chỉ ra được trách nhiệm. Nhất là trong trường hợp báo cáo đó không đúng như thực tế mà đại biểu thấy, cử tri thấy… Ví như vấn đề khiếu nại, tố cáo, Bộ TN&MT, tổng Thanh tra Chính phủ đã hứa thì đến nay tình hình sao vẫn còn nhiều? Rồi thực trạng “bẻ ghi nắn dòng” trong các quyết định thanh tra, có hay là không?

Thất hứa sẽ bị xử lý trách nhiệm

. Lời hứa quan trọng nhưng nếu bộ trưởng thất hứa thì với những quy định hiện hành, chúng ta cũng khó xử lý được trách nhiệm?

+ Có thực tế đó. Vì thế, hiện nay QH đang xây dựng đề án quy trình về việc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu đề án được QH thông qua thì khi đó, bộ trưởng, trưởng ngành nào không giữ đúng lời hứa thì các cơ quan của QH hoặc đại biểu QH có thể yêu cầu đưa bộ trưởng đó ra xem xét lấy phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm chức vụ hoặc mở ra con đường cho văn hóa từ chức.

Tôi chắc chắn rằng sau khi có đề án trên, các bộ trưởng sẽ thấy rõ hơn trách nhiệm pháp lý trước QH, trước việc thực hiện lời hứa.

. Vậy theo ông, khi mất tín nhiệm hai lần, hay chỉ một lần là có thể thực hiện việc bãi miễn?

+ Theo tôi, nếu chỉ một lần nhưng phiếu thấp quá, ví như khi lấy phiếu anh chỉ được mươi phần trăm đại biểu ủng hộ thôi thì không cần lần thứ hai mà bỏ phiếu bãi nhiệm luôn.

. Xin cảm ơn ông.

Một số lời hứa quan trọng ở hai kỳ họp trước

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, bảo đảm không còn ngân hàng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế... Quản lý chặt chẽ xuất nhập khẩu và thị trường vàng, phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới... Tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh ngân hàng, ngoại tệ và vàng.

Bộ trưởng Bộ TN&MT: Phối hợp với tổng Thanh tra Chính phủ và chủ tịch UBND các cấp đến ngày 31-12-2012 tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp, kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm và công bố công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng; trước hết là các vụ việc về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu đô thị, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi.

Bộ trưởng Bộ Công Thương:Khẩn trương rà soát quy hoạch ngành điện và quy hoạch phát triển thủy điện; loại bỏ hoặc dừng các dự án không đạt các tiêu chí xã hội, môi trường, an toàn, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn các công trình thủy điện. Có lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng dầu, than, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững…

THÀNH VĂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới