Bộ trưởng Y tế: Cần Thơ phải đẩy nhanh xét nghiệm và giãn cách thật nghiêm

Ngày 31-7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã làm việc với Thành ủy, UBND TP Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác làm việc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Cần Thơ ngày 31-7. Ảnh: LC

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá việc trả kết quả xét nghiệm của TP làm còn chậm, “ngay từ bây giờ TP phải chuẩn bị kịch bản xấu hơn”. Cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị, TP phải thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16.

“Càng nghiêm bao nhiêu, càng triệt để bao nhiêu thì càng đỡ lây nhiễm bấy nhiêu. Nếu không thì TP bỏ phí thời gian đã thực hiện giãn cách. Lây giữa người với người mà không tiếp xúc giữa người với người nữa thì sẽ đỡ hơn nhưng ở đây TP vẫn phát hiện ca nhiễm mới, chuỗi lây nhiễm mới và từ đó lại tỏa ra nữa. Phải yêu cầu người dân không cần thiết thì không ra khỏi nhà, đối với khu phong tỏa phải có kế hoạch cung ứng nhu yếu phẩm, những cái cần thiết cho người dân…” – ông Long nói.

Cũng theo ông Long, “quan trọng nhất, muốn làm chậm lây nhiễm, ngoài áp dụng biện pháp hành chính thì áp dụng xét nghiệm. TP phải làm xét nghiệm càng nhanh càng tốt và làm theo hộ gia đình”.

Ông Long cho rằng, việc lấy mẫu xét nghiệm không phải là cán bộ y tế mà sinh viên trường trung cấp y, cao đẳng y là có thể lấy được, kể cả tình nguyện viên, hay người dân cũng đều lấy được, miễn là làm phải có giám sát. Có nơi người ta tập huấn cho người dân cách tự lấy mẫu để người ta lấy mẫu rồi bỏ vào chỗ quy định và đi về. Sau đó, nhân viên y tế đọc thì sẽ biết ai dương thì gọi cho người đó xuống.

Trong khu phong tỏa cũng vậy, không nhất thiết phải gọi người ta ra một chỗ mà đi từng nhà, có hai người đi từng nhà, một người làm hành chính, một người làm chuyên môn, như thế sẽ chia được nhiều điểm nhỏ, làm ngay tại nhà và trả kết quả cho họ, âm thì thôi, dương thì bắt đầu ghi thông tin…

“Gia đình này có 3 người thì gộp mẫu 3, gia đình có 5 người thì gộp mẫu 5, gia đình kia có 7 người thì gộp mẫu 7, kể cả gia đình có 15 người thì gộp 15 người không sao cả, chỉ cần một mẫu dương thì cả nhà dương rất cao với chủng này.

Cho nên vấn đề hiện nay, việc xét nghiệm đối với TP là hết sức quan trọng. TP muốn giảm tốc độ lây nhiễm thì vừa thực hiện giãn cách xã hội nghiêm vừa phải thực hiện xét nghiệm nhanh. Chiều nay chúng tôi sẽ cấp tiếp cho TP một số lượng (test nhanh) nữa nhưng TP cũng phải chủ động mua, hiện nay rất nhiều loại, giá rẻ…” – ông Long nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế và Thành ủy, UBND và các sở, ngành ở Cần Thơ ngày 31-7. Ảnh: LC

Ngoài ra, ông Long cũng đề nghị TP cần làm tốt hơn nữa công tác truy vết nhanh. Trong đó, lưu ý TP phải tập huấn và giao trách nhiệm cho tổ COVID cộng đồng, tổ này càng mạnh thì kiểm soát càng nhanh.

Về công tác điều trị, ông Long đề nghị TP xây dựng ngay quy trình tháp 3 tầng và mỗi tầng nên có những gì để đáp ứng yêu cầu chữa bệnh. Đồng thời, Bộ sẽ thành lập một bệnh viện lớn và trung tâm cấp cứu ICU vùng, quy mô từ 800-1.000 giường ở đây; điều tiết một đơn vị vào hỗ trợ Cần Thơ…

Tuy nhiên, ông Long cho rằng việc điều phối bệnh nhân phải do TP làm nên TP cần làm ngay một trung tâm điều phối bệnh nhân.

Về công tác tiêm vaccine, ông Long cũng đề nghị TP tổ chức tiêm càng nhanh càng tốt, không giới hạn số lượng liều tiêm mỗi ngày, ưu tiên người trên 65 tuổi, khu phong tỏa, tập trung lõi đông dân trước, đẩy nhanh tiêm mũi 1…

Bệnh đã tấn công vào khu công nghiệp, cơ sở y tế

Báo cáo của UBND TP Cần Thơ cho biết từ ngày 8-7 đến 17 giờ ngày 30-7, TP có 1.302 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, 532 ca trong khu cách ly, phong tỏa, chiếm 40,9%; 770 ca ngoài cộng đồng, chiếm 59,1%. Lực lượng chức năng đã truy vết được 5.399 F1, 5.362 F2; đã điều trị khỏi 70 ca và có 10 ca tử vong.

Toàn TP hiện có 21 ổ dịch lớn, chủ yếu phân bố trên địa bàn các quận trung tâm là Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều, Ô Môn và huyện Thới Lai. Trong đó có 7 ổ dịch tại các công ty trong các khu công nghiệp và một ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa TP (đã cơ bản khống chế).

Cũng theo báo cáo, TP có 42 khu cách ly, khả năng tiếp nhận 6.517 công dân, đã tiếp nhận 3.075 công dân, khả năng còn lại 3.442 công dân. Dự kiến sẽ thành lập thêm 34 khu cách ly y tế tập trung mới với khả năng tiếp nhận 4.266 công dân để nâng lên tổng số 76 khu cách ly với khả năng tiếp nhận khoảng 11.183 công dân…

Bên cạnh đó, TP còn nhiều khó khăn như dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, lây nhiễm nhanh trên diện rộng, dịch bệnh đã tấn công vào khu công nghiệp, cơ sở y tế.

Công tác triển khai các giải pháp phòng, chống dịch chưa đi vào căn cơ, bài bản; Năng lực xét nghiệm còn hạn chế; Công tác dự báo diễn biến dịch bệnh còn chưa đáp ứng hoàn toàn với tình hình dịch; Mua sắm thiết bị, dụng cụ y tế còn gặp nhiều khó khăn; Nhu cầu tiêm vaccine COVID-19 là rất lớn để có thể đáp ứng miễn dịch cộng đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm