Đó là một trong những nhận xét của các chuyên gia y tế về mạng lưới y tế cơ sở của Việt Nam được bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, nhắc lại tại Hội nghị trực tuyến nhân rộng mô hình trạm y tế (TYT) xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tăng cường năng lực y tế cơ sở. Hội nghị được tổ chức vào sáng 14-11, tại Hà Nội.
Thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai 26 TYT kiểu mẫu ở tám tỉnh, TP, đến nay Bộ bắt đầu triển khai thêm 700 TYT như vậy trên khắp cả nước, hầu hết ở các xã, phường từ những vùng xa xôi nhất. Bộ trưởng nhấn mạnh sức khỏe là vốn quý nhất của con người, do đó việc chăm sóc sức khỏe cần tập trung vào hai giai đoạn: phòng bệnh và chữa bệnh.
“Khi bị bệnh, chúng ta đã có hệ thống khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế và cơ sở vật chất khá hiện đại, đồng bộ từ tuyến huyện. Còn về chăm sóc sức khỏe lúc chưa bị bệnh, chúng ta đang có hệ thống y tế cơ sở rất phát triển. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh, quan tâm hơn nữa việc chăm sóc người dân để phòng ngừa bệnh tật. Trọng tâm là quan tâm bao phủ sức khỏe toàn dân, làm sao để người dân sống khỏe mạnh, chất lượng cuộc sống tốt, trí lực tốt và tuổi thọ cao. Chăm sóc các vấn đề từ chiều cao, cân nặng đến các bệnh mạn tính, tiểu đường..." - Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành y tế mong muốn với sự phát triển của mạng lưới y tế xã/phường, khi người dân bị bệnh, 80%-90% bệnh nhẹ phải được chăm sóc ở nơi gần nhất, tránh tốn kém tiền bạc, thời gian đi lại mới đạt mục tiêu.
Mới đây, trong chuyến công tác học mô hình bác sĩ gia đình ở Bỉ và nhiều nước khác, Bộ trưởng nhận thấy 90% trường hợp bị bệnh có thể chăm sóc tại tuyến y tế cơ sở. "Trong khi mô hình y tế ở đây cũng rất đơn giản, chỉ tương đương với trạm y tế xã/phường của chúng ta, không hề hiện đại hơn" - Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam có ít nhất 30%-40% bệnh nhân điều trị tuyến tỉnh có thể về điều trị tại huyện nhưng bệnh nhân không về. Trong khi đó, bệnh viện tuyến trung ương đang ở trong tình trạng quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Việc chữa bệnh vượt tuyến, đi lại xa gây tốn kém cho xã hội, tốn kém tiền túi của người dân.
“Kiểm tra ở các bệnh viện huyện, chúng tôi nhận thấy bệnh nhân chỉ kiểm tra đường huyết thôi nhưng đi từ Khánh Hòa vào TP.HCM. Chữa bệnh đau đầu đi từ miền Tây lên BV ĐH Y Dược, Chợ Rẫy. Chúng ta cần phải quyết liệt hơn thì y tế cơ sở mới phát triển đúng với vai trò của nó” - bà Tiến dẫn chứng.
Đưa ra nhiều nhận xét về chất lượng y tế cơ sở nước ta hiện nay, bà Tiến cho hay chuyên gia y tế thế giới đến thăm các trạm y tế xã/phường ở Việt Nam đều đánh giá Việt Nam có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp và đồng bộ hơn hẳn nhiều nước.
“Nếu như nước ngoài chỉ có máy đo huyết áp, máy siêu âm... thì chúng ta đã làm cả dự phòng, chăm sóc bà mẹ trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình, và giờ là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Do đó, nhiều đoàn của Liên Hiệp Quốc đã nói nếu thăm mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu thì không nơi nào tốt như Việt Nam, Việt Nam là nơi tốt nhất. Do đó, chúng ta đang mơ trong 10 năm tới Việt Nam sẽ hình thành mạng lưới y tế cơ sở, bác sĩ gia đình phủ sóng cả nước” - bà Tiến nhấn mạnh.