Y tế cơ sở được xem là “người gác cổng” trong hệ thống y tế, được Bộ Y tế nhiều lần khẳng định có vai trò cực kỳ quan trọng, cốt lõi của cả ngành y. Thế nhưng “người gác cổng” lại đang đứng trước quá nhiều khó khăn, thách thức.
Đến bệnh viện lớn vẫn hay hơn trạm y tế nhỏ
Bà Nguyễn Thị Xa (người dân sống cạnh Trạm Y tế xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, Yên Bái) bày tỏ mặc dù ở trước trạm y tế nhưng khi gia đình có người đau ốm, bà đều đưa thẳng vào bệnh viện (BV) trên tỉnh.
“Tôi chỉ một lần vào trạm y tế xã khi bị ngã, bong gân chân cách đây một năm. Thời điểm đó nhà không có ai, tôi bị ngã nên đi ra đó khám tạm, chiều rồi cũng lên tỉnh khám lại. Vì bỏ ra cũng một số tiền nên tôi muốn đến BV lớn, nhiều bác sĩ giỏi vẫn hay hơn đi ra trạm y tế nhỏ” - bà Xa bày tỏ.
Khi được đặt vấn đề về những thay đổi của trạm y tế trong thời gian gần đây, bà Xa cũng như nhiều người dân cho rằng nếu như trạm y tế xã hiện đại như một BV thu nhỏ, chắc chắn sẽ sang khám để không đi xa như từ trước đến nay.
Cũng như tâm lý của nhiều người dân khác, lo ngại khám ở trạm y tế xã sẽ không đảm bảo hay không được lấy đầy đủ thuốc, muốn chiếu chụp khó khăn vẫn đè nặng lên người dân. Do đó, sau nhiều tháng thí điểm trạm y tế xã điểm, tình hình chất lượng đã được nâng lên nhưng lượng người dân đặt lòng tin vào y tế cơ sở vẫn rất thấp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng đã phân tích: Việt Nam chịu gánh nặng mô hình bệnh tật kép với các bệnh lây nhiễm vẫn lưu hành và diễn biến phức tạp, các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh, tình trạng già hóa dân số. Trong khi đó năng lực cung ứng dịch vụ y tế các tuyến, trong đó có tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, chưa được chuyển đổi kịp thời để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
Người dân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên, Yên Bái), một trong 26 trạm y tế điểm của đề án y tế cơ sở. Ảnh: HP
Bốn khó khăn lớn
Đi sâu hơn về những khó khăn hiện tại của y tế cơ sở, PGS-TS Phan Lê Thu Hằng (Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế) chỉ rõ tình hình hiện nay đã cho thấy nhu cầu hết sức cấp bách trong việc thay đổi mạng lưới y tế cơ sở. Thế nhưng để y tế cơ sở phát triển vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đầu tiên là cơ cấu nhân lực không hợp lý, các cán bộ có kỹ thuật cao tập trung nhiều ở tuyến trên dẫn đến cơ sở tuyến xã, huyện không giữ được người giỏi.
“Điều chúng ta dễ nhận thấy là mức độ bao phủ bảo hiểm y tế hơn 83% và hệ thống miễn dịch rất rộng từ tuyến huyện, xã… nhưng mức độ tiếp cận không hợp lý. Từ việc người dân chưa tin dùng dịch vụ y tế cơ sở, gây quá tải tuyến trên và thấp tải ở tuyến dưới dẫn đến không công bằng và hiệu quả. Ảnh hưởng đến công bằng chăm sóc sức khỏe, nhất là cho người nghèo” - bà Hằng phân tích.
Về vấn đề quản trị hệ thống, năng lực quản trị của y tế cơ sở còn rất thấp. Chưa có hệ thống quản lý chất lượng chăm sóc sức khỏe ở y tế cơ sở như các BV, vì vậy chưa được nhân dân tin tưởng.
“Một khó khăn rất lớn đó chính là đang có sự cạnh tranh trong phân bố hệ thống, các BV tuyến trung ương hút bệnh nhân các tỉnh, tuyến tỉnh hút bệnh nhân của tuyến huyện, huyện hút của xã gây ra nhiều mâu thuẫn trong quản trị. Sự thu hút này gây ra sự ách tắc tuyến trên và người dân không đến khám tại các trạm y tế xã” - bà Hằng nói.
Để “người gác cổng” phát triển đúng mục tiêu đề ra, cần một cuộc đổi mới toàn diện cơ chế tài chính cho mạng lưới y tế cơ sở. Thêm đó là đổi mới phương thức chi trả cho mạng lưới y tế cơ sở, gắn chi trả với kết quả đầu ra và hiệu quả hoạt động.
“Cùng với đó, ngành y tế sẽ đổi mới cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh. Nhiệm vụ cấp thiết sẽ là truyền thông can thiệp nhằm thay đổi hành vi, suy nghĩ trong cộng đồng về trạm y tế xã” - bà Hằng cho biết.
Cả nước hiện có hơn 12.000 trạm y tế. Bộ Y tế đang chọn 26 trạm y tế tại Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Yên Bái, Hà Tĩnh... để làm mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở. Trong đó, bộ trưởng y tế trực tiếp “chăm sóc” bảy trạm, mỗi thứ trưởng 5-6 trạm. |