Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 12-4, trả lời câu hỏi về việc thẩm định các văn bản liên quan đến việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự- kinh tế Cao Đăng Vinh cho hay Bộ Tư pháp chưa nhận được văn bản thẩm định nghị định nào.
Thông tin cụ thể, ông Cao Đăng Vinh cho hay, Kết luận 64 của Hội nghị Trung ương 8 khóa 13 và Nghị quyết 104 của Quốc hội thống nhất sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ 1-7-2024.
Quá trình triển khai thực hiện, Thủ tướng đã ban hành kế hoạch 135 triển khai công tác này. Theo phân công, Bộ Nội vụ đang xây dựng báo cáo trình Bộ Chính trị.
“Nội dung cụ thể chúng tôi không thông tin chi tiết được vì nằm trong danh mục tài liệu mật”- theo ông Vinh.
Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cũng cho hay trong kế hoạch đã phân công, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng hai nghị định, trong đó một nghị định cần ban hành sớm để triển khai thực hiện từ 1-7. (Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định có liên quan, ban hành một nghị định sửa nhiều nghị định để bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất về chính sách tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang kể từ ngày 1-7-2024- PV)
Nghị định còn lại thay thế nghị định 204 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ ban hành sau khi Bộ Chính trị có quyết định về nội dung cụ thể của chính sách cải cách tiền lương.
“Nghị định này ban hành sau nên chưa cần phải gấp vội”- ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, Bộ LĐ-TBXH sẽ xây dựng hai nghị định về mức tiền lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực doanh nghiệp và nghị định liên quan đến việc quản lý lao động tiền lương đối với khu vực DN trên cơ sở chỉnh sửa các quy định hiện hành.
Ngoài ra còn có rất nhiều nghị định, thông tư liên quan đến điều chỉnh chính sách trợ cấp BHXH, an sinh xã hội…
“Về tiến độ thẩm định, Bộ Tư pháp chưa nhận được văn bản thẩm định nghị định nào”- vẫn lời ông Vinh.
Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cũng thông tin kèm theo việc ban hành nghị định về việc xây dựng chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ có 12 thông tư. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp không có trách nhiệm thẩm định các văn bản này.
“Về văn bản nhận được, chúng tôi mới nhận được mỗi văn bản gửi xin ý kiến với dự thảo nghị định về mức lương tối thiểu vùng của Bộ LĐ-TB&XH. Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến với dự thảo nghị định này rồi, còn thẩm định thì chưa có văn bản nào cả”- ông Vinh nói thêm.