Vào lúc 19 giờ 30 phút tối qua (6-12), trên sân vận động Bishan (Singapore) đã diễn ra trận đấu giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và Lào trong khuôn khổ bảng B, AFF Cup 2020.
Trong phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu, một sự việc khá hi hữu đã xảy ra khi khán giả theo dõi qua kênh YouTube của Next Sports (Next Media - đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng toàn bộ các trận đấu trên các nền tảng) không thể nghe được âm thanh trong khi trên sân đang cử hành Quốc ca Việt Nam.
Cụ thể, màn hình trận đấu hiện dòng thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm".
Nhiều người hâm mộ bày tỏ sự phẫn nộ với sự việc trên. Và cái tên được nhắc đến là BH Media - đơn vị liên quan đến vụ “lùm xùm” bản quyền trước đó.
Trao đổi với PLO, đại diện BH Media khẳng định trong trận đấu Việt Nam – Lào, không hề có bên nào “đánh bản quyền” Quốc ca Việt Nam, mà chỉ là do các kênh YouTube Việt Nam tiếp sóng tự tắt tiếng phần hát Quốc ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT trước đó.
Phần âm thanh bài Tiến quân ca bị ngắt đi trong nghi lễ chào cờ trước trận đấu. Ảnh chụp màn hình
Bàn luận về vấn đề này, TS Nguyễn Thái Cường, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT), Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT năm 2009, 2019 thì quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Cụ thể, bản ghi âm tác phẩm Tiến quân ca (Quốc ca) là một đối tượng của quyền liên quan đến quyền tác giả.
“Chúng ta cần nắm rõ bài hát Tiến quân ca được kết hợp bởi hai thành phần nhạc và lời. Tùy theo cách phối khuôn nhạc khác nhau có thể tạo ra những âm hưởng khác nhau trên cùng một lời nhạc.
Vì thế, Bản ghi âm có thể do những chủ thể khác làm nền nhạc khác để lồng vào lời. Loại hình “bản ghi âm này” được bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả cho bản ghi âm tương ứng nếu đáp ứng các điều kiện luật định”, TS Cường nói.
Cạnh đó, bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam;
- Bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cần lưu ý, Bản ghi âm chỉ được bảo hộ theo quy định với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả.
Theo thông tin thì Tiến quân ca đã được tặng cho Nhà nước và công chúng thì sẽ rơi vào trường hợp tác phẩm do Nhà nước làm chủ sở hữu và tác phẩm thuộc về công chúng. Và Luật SHTT quy định rõ là Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng tác phẩm trong hai trường hợp này.
“Như vậy, nếu Nhà nước không có quy định khác thì việc sử dụng tác phẩm này phải xin phép Nhà nước (Bộ VH-TT&DL) hoặc theo quy định của pháp luật” – TS Cường nêu quan điểm.
Cũng theo ông Cường, pháp luật đảm bảo sự tự do sáng tạo của các chủ thể trong việc sử dụng, khai thác, kinh doanh tác phẩm nhưng với điều kiện là phải xin phép tác giả chủ sở hữu và trả thù lao tương ứng.
Việc không xin phép tác giả, chủ sở hữu có thể rơi vào hành vi xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả theo quy định của Luật SHTT và pháp luật có liên quan (chế tài cao nhất có thể bị xử lý hình sự).
Thương lượng trước khi áp dụng chế tài Bộ VH-TT&DL cần xác lập quyền liên quan cho nhiều bản ghi âm bài hát Quốc ca chính thức để tiện sử dụng sau này (bằng cách đề nghị các đơn vị chuyển giao lại quyền sở hữu cho Nhà nước các bản ghi âm đã có hoặc làm nhiều bản ghi âm mới) để phục vụ cho lợi ích chung của người dân. Đồng thời, những cơ quan có thẩm quyền nên có những thông báo kịp thời cho các nền tảng số (YouTube…) về việc xác lập quyền này, đảm bảo thực thi pháp luật quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan. Tóm lại, những quy định liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan là rất phức tạp. Việt Nam là thành viên của khá nhiều Công ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan và đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật SHTT. Việc có những lúng túng trong thực thi quyền tác giả, quyền liên quan là không thể tránh khỏi. Giải pháp tốt nhất là Bộ VH-TT&DL tiến hành thương lượng với các bên có liên quan theo đúng quy định của pháp luật trước khi áp dụng các biện pháp chế tài và có những hướng dẫn cụ thể đối với dạng tác phẩm thuộc về Nhà nước và công chúng. |