“Dưới đây là con bọ hút máu người. Nhìn qua tưởng nó vô hại, không ngờ độ nguy hiểm của nó quá lớn có thể gây tử vong. Cách đây 3 ngày Phúc bị nó cắn, cứ nghĩ nó bình thường, chỉ đi mua thuốc tiêu độc uống nhưng càng ngày càng nhức và sưng to. Giờ nó đang có cảm giác chuyển gần xuống nách gây nhức. Qua tìm hiểu chất độc của nó có thể đi vào tim mạch và gây tử vong. Giờ Phúc đang đắp thuốc nam để hút chất độc của nó. Bọn này hay xuất hiện vào ban đêm. Mọi người cẩn thận nhé”.
Trên đây là cảnh báo của một cô gái tên Phúc sống tại TP.HCM bị bọ xít hút máu cắn. Liên lạc với Phúc, cô cho biết bị bọ xít đốt lúc 2 giờ sáng ngày 9-7 khi đang nằm ngoài thềm nhà chờ người giao hàng.
Cảnh báo của cô gái trên facebook cá nhân sau khi bị bọ xít đốt. Ảnh: HOÀNG LAN
Theo Phúc, ban đầu cô chỉ nghĩ là vết bọ cắn vô hại. Tuy nhiên vết cắn ngày càng nhức và sưng to, lan gần đến nách. Phúc cho biết cô có tìm đọc tài liệu và thấy độc chất của bọ xít có thể gây tử vong.
Trao đổi vớiPLO, Viện trưởng Viện sốt rét–Ký sinh trùng–Côn trùng TP.HCM, ông Lê Thành Đồng, cho biết hiện nay ở Việt Nam chưa thấy trường hợp nào mắc bệnh truyền nhiễm và tử vong do bọ xít đốt, tuy nhiên không loại trừ khả năng đặc biệt. Có nghiên cứu cho thấy phân bọ xít hút máu có ký sinh trùng tryền bệnh Chagas ở Nam Mỹ, Trung Mỹ và Mexico. Bệnh Chagas có thể lây nhiễm bất cứ ai và thường được phát hiện ở trẻ em. Nếu không điều trị, bệnh Chagas sau này có thể gây ra các vấn đề về tim mạch và tiêu hóa trầm trọng.
Cũng theo ông Đồng, ở Việt Nam chưa tìm ký sinh trùng gây bệnh này ở người bị bọ xít đốt cũng như ở máu trong dạ dày của bọ xít. Thông thường, bọ xít đốt gây ngứa rát, đau buốt, nổi sần tại chỗ và kéo dài từ 2-5 ngày, hiện tượng sưng ngứa và có sốt ít xảy ra hơn.
Vết thương sưng đỏ của Phúc sau khi bị bọ xít đốt. Ảnh: HL
Đối với những trường hợp bị bọ xít đốt có viêm tại chỗ và phản ứng toàn thân cần xử lý rửa sạch vết cắn bằng thuốc sát khuẩn. Dùng thuốc kháng dị ứng, kháng viêm (corticoide), giảm đau nhức và dùng kháng sinh nếu có bội nhiễm. Đặc biệt cần theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và thần kinh, nếu có diễn biến bất thường nên đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để xử lý.
Theo các nghiên cứu của Viện sốt rét–Ký sinh trùng–Côn trùng TP.HCM, có nhiều loại bọ xít hút máu. Chúng được tìm thấy chủ yếu ở châu Mỹ, số ít khác ở châu Á, châu Phi và châu Úc.
Ở Việt Nam, có bốn loài bọ xít hút máu cũng được ghi nhận và đang có xu hướng phát triển gia tăng số lượng ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các khu dân cư ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Chúng thường trú và làm tổ trong các khe giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo và nhất là trong phòng ngủ. Chúng không những chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn có mặt cả ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Thiếu trùng, con đực và cái trưởng thành đều hút máu động vật, người.
Bọ xít hút máu sinh trưởng rất nhanh và mạnh. Bọ xít mới nở đã hút máu được ngay. Nếu đã hút máu người, chỉ 1-2 ngày sau cá thể sẽ đẻ trứng. Mỗi đợt đẻ khoảng 150-200 quả. Trứng bọ xít hút máu nhỏ, rất khó phát hiện và khoảng 16-18 ngày sau sẽ nở thành cá thể bọ xít non. Nếu có một cá thể cái đẻ trứng trong nhà thì khoảng 20 ngày sau trong nhà có thể có hàng trăm cá thể bọ xít hút máu người xuất hiện.
Loại bọ xít tìm thấy ở Việt Nam được Phúc cho là đốt mình. Ảnh: HL
Bọ xít thường hút máu vào ban đêm và chích hút khá êm nên nhiều người không biết, và chỉ hút máu đang chảy trong huyết quản của người. Khi đốt, chúng tiết ra một loại chất gây tê nên người bị đốt thường không cảm nhận được gì. Thông thường thời kỳ sinh sản của bọ xít hút máu là vào đầu mùa mưa, khi độ ẩm trong không khí tăng cao.
Để phòng, chống bọ xít hút máu, mỗi người nên thường dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, phòng ngủ, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào. Nếu phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu thì nên tìm diệt chúng bằng cách dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, dưới đệm phòng ngủ hoặc ban đêm thì tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm diệt bọ xít và trứng bọ xít.
Ở vùng đã phát hiện có bọ xít đốt hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người. Sử dụng các hóa chất côn trùng thuộc nhóm pyrethroid (Fendona 10SC, ICON 10 WP), phun trong nhà và xung quanh nhà. Để diệt tận gốc, cần thu gom trứng ấu trùng cho vào túi và đốt.